Trong khi chính quyền và người dân các tỉnh, thành phố phía bắc vẫn đang tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi), thì cơn bão số 6 (Trami) lại vừa gây ngập úng khắp Quảng Bình cũng như ảnh hưởng tới nhiều tỉnh, thành phố ở miền trung. Những căn nhà mới ở thôn Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) đang được xây dựng thì những căn nhà vốn yên bình ở Lệ Thủy (Quảng Bình) nước đang ngập lên tới nóc.
Chúng ta vẫn thường nói “sống chung với lũ” như là một cách thể hiện cho nếp sinh hoạt quen thuộc mỗi mùa mưa bão hoành hành. Khi cơn lũ dữ đi qua là lúc cuộc sống dần trở lại bình thường. Có khác hơn là giờ đây việc đối phó với mưa bão, lũ lụt đã có phần hiệu quả hơn nhiều nhờ sự tiến bộ của khoa học, cách phán đoán chính xác và sự sẵn sàng đối phó với bão lụt một cách chủ động cũng góp phần giảm thiểu đi nhiều mất mát về người và của.
Nói vậy để thấy rằng, thiên nhiên có sức mạnh khủng khiếp thế nào và con người luôn phải tìm cách để thích ứng một cách phù hợp nhất. Không chỉ bằng kinh nghiệm mà còn cần ứng dụng một cách khoa học và hợp lý.
Bí thư Huyện ủy Bắc Hà (Lào Cai) Nguyễn Duy Hòa trong một cuộc họp mới đây đã nói, trước ngày bão Yagi đổ bộ, huyện xác định các xã ven sông Chảy như Cốc Li, Cốc Lầu, Bản Lúc, Bảo Nhai và địa chất yếu toàn đất cát như Nậm Khánh, Bản Liền nằm trong vùng báo động về ngập lụt, sạt lở. Chính quyền đã phải cấp tốc di dời hàng nghìn hộ dân. Nhưng những vị trí hàng trăm năm qua an toàn thì nay sạt lở nặng nhất. Toàn huyện có hơn 1.800 hộ với 8.000 nhân khẩu - khoảng 10% dân số, nằm trong vùng sạt lở. Hơn 500 hộ trong số này có khả năng quay lại nơi cũ. Hai khu tái định cư tập trung là Kho Vàng (xã Cốc Lầu) và Nậm Tông (xã Nậm Lúc) giải quyết được nhu cầu nhà ở cho hơn 100 hộ. Còn lại 1.200 hộ phải tìm nơi ở mới. Việc tìm nơi an cư đất ở cho dân cũng gặp khó bởi liên quan tới diện tích rừng phòng hộ hoặc mục đích sử dụng khác. Muốn thay đổi, phải xin phép, lập dự án… và nhiều thủ tục khác trong khi việc bố trí chỗ ở tái định cư cho nhân dân là việc cấp thiết phải làm.
Nhìn vào thực tế này, mới thấy rằng việc tìm nơi định cư cho người dân vùng cao không chỉ là việc riêng của chính quyền cấp cơ sở mà còn cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan có đủ năng lực và thẩm quyền của trung ương. Lựa chọn nơi an cư của người dân trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp, thất thường như hiện nay càng cần đòi hỏi những phân tích, đánh giá khoa học của cơ quan chức năng và các cấp có thẩm quyền. Có như vậy, mới có thể mong giảm bớt được đến mức thấp nhất những hiểm họa do thiên tai, bão lũ gây ra mỗi mùa mưa bão đến.