Quy hoạch bãi đỗ xe ở nông thôn

Câu chuyện về bãi đỗ cho ô-tô đã được báo chí nói đến khá nhiều.
0:00 / 0:00
0:00

Tưởng chỉ là vấn đề của các đô thị nhưng gần đây, với các xã ngoại thành của Hà Nội - vốn được cho là quỹ đất còn khá “xông xênh”, chuyện đỗ xe ô-tô cũng trở thành một đề tài nóng.

Đường làng ở nông thôn vốn dĩ là những con đường nhỏ bé, chật hẹp, chung quanh là nhà dân. Hầu hết những con đường này không có vỉa hè cũng như không gian công cộng hay các khoảng đất trống. Hà Nội mở rộng khiến cho đất đai ở nhiều vùng quê ngoại thành giờ đây cũng trở nên đắt đỏ, đúng nghĩa “tấc đất tấc vàng”. Kinh tế phát triển đồng nghĩa với việc cửa hàng, nhà xưởng mọc lên san sát, việc vận tải hàng hóa phát triển mạnh mới đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Người dân ngoại thành ăn nên làm ra, nhiều người mua ô-tô riêng. Vào giờ cao điểm, đường làng hay tắc nghẽn, một phần do lượng người xe qua lại đông, một phần lại đến từ những chiếc ô-tô… đỗ ven đường. Càng cuối năm, khi việc làm ăn bận rộn hơn thì việc tắc đường càng như cơm bữa.

Sự phát triển “nóng” này khiến chính quyền địa phương chưa kịp có kế hoạch xây dựng bãi đỗ, bãi gửi xe. Thế nên các sân nhà văn hóa, thậm chí là sân UBND xã, cổng trường học hay bất cứ chỗ nào có thể đỗ được là sẽ chật kín xe. Những tranh cãi nảy lửa đã xảy ra về việc có nên thu tiền để xe ở sân nhà văn hóa. Cảnh tượng thường gặp khi đi trên đường làng, đường xóm bây giờ là hai bên đường ô-tô đỗ kín thường trực gây ùn tắc giao thông.

Đã có khá nhiều mâu thuẫn, mất lòng láng giềng quanh việc đỗ xe án ngữ cửa nhà người khác hoặc gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Có người vì bực tức hàng xóm đỗ xe suốt ngày trước cửa gây bí bách nên đã chờ đêm tối mang vật sắc nhọn ra rạch xước sơn xe. Việc này không chỉ mang tội phá hoại tài sản của người khác mà còn sứt mẻ tình cảm xóm giềng. Nói đi nói lại thì cũng “tại anh tại ả, tại cả đôi bên”. Nhưng nghĩ cho cùng, mấu chốt là làng quê không có bãi để xe nên mới xảy ra chuyện đó.

Việc quy hoạch đường sá hay bãi đỗ, gửi xe đòi hỏi phải có nguồn kinh phí và một kế hoạch bài bản, phù hợp tình hình mỗi địa phương. Nhưng muốn phát triển nông thôn mới, hay nông thôn mới nâng cao, thì các cấp chính quyền cơ sở cần sớm quan tâm đến những điểm dễ gây ùn tắc giao thông, sớm quy hoạch đường sá, bến bãi đỗ xe… Đừng để những chiếc ô-tô trở thành những chiếc lô-cốt gây cản trở giao thông trên đường làng.