"Quy định đã có, thực hiện phải rốt ráo"

Đó vừa là ý nhấn mạnh, song cũng là trăn trở của PGS, TS Nguyễn Văn Giang, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Viện trưởng Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), khi trả lời phỏng vấn Nhân Dân cuối tuần về công tác cán bộ, cả những vấn đề đặt ra trước mắt và lâu dài.
0:00 / 0:00
0:00

PGS, TS Nguyễn Văn Giang, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Viện trưởng Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) trả lời phỏng vấn Nhân Dân cuối tuần.

- Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều quy chế, quy định liên quan công tác cán bộ; một số nội dung cũng đã được pháp điển hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Liệu các quy định ấy đã được coi là cần và đủ trên thực tế chưa, thưa ông?

- Nhìn tổng quát, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác cán bộ. Ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước đều đã đề ra những chủ trương, chính sách, quy định phù hợp để xây dựng và khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ hoạt động, cống hiến, phát triển. Gần đây nhất phải kể đến các chủ trương về công tác cán bộ của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tháng 1/2021), Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về 19 điều đảng viên không được làm; đặc biệt Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị và được thể chế hóa bằng Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Cùng với các quy định ở cấp Trung ương như trên, thời gian qua, cũng đã có những địa phương, cơ sở đã sớm ban hành những quy định cụ thể, phù hợp với đơn vị mình về bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm.

Cũng phải nói là, trong quá trình thực hiện vẫn cần khẩn trương hoàn thiện hơn nữa quy chế quy định. Thời gian tới, theo tôi, chúng ta cần tập trung nguồn lực làm công tác này.

- Trong lịch sử phát triển, khi các quy chế, quy định còn chưa hoàn thiện, hẳn ông vẫn nhớ, có những câu chuyện, những cán bộ "vượt rào", dám nghĩ dám làm, và đã tạo nên nhiều kết quả đột phá, ích nước lợi dân?

Nếu nhìn lại lịch sử thì chúng ta thấy không thiếu những trường hợp điển hình. Chưa kể thời kỳ đầu cách mạng, ngay giai đoạn trước Đổi mới cũng đã xuất hiện không ít cán bộ điển hình, như đồng chí Kim Ngọc với những cuộc "phá rào", để sau này chúng ta có Khoán 10.

Nhìn lại đêm trước Đổi mới, còn có rất nhiều câu chuyện thú vị, như các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh, rồi các đồng chí lãnh đạo tỉnh Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu,… Khi đó, các đồng chí ấy nhận thấy cuộc sống đòi hỏi và quyết tâm đứng ra chịu trách nhiệm để làm khác với các quy định của Nhà nước về vấn đề quản lý kinh tế đã không còn phù hợp.

Sau này, thực tế đã chứng minh những đột phá, cách làm ấy là đúng. Nhưng ở thời điểm đó, cũng đã có những đồng chí phải chịu những hình thức xử lý về tổ chức khác nhau.

Cũng phải nói thêm, trong những tình huống này, những sáng kiến đột phá, làm khác các quy định của pháp luật thời điểm ấy là bởi tư duy tiến bộ, đi trước thời đại, quyết đoán và quyết làm vì lợi ích chung. Cán bộ dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung, với cái tâm trong sáng, không vụ lợi thì nhất định sẽ được ghi nhận, nếu có oan thì rồi sẽ được minh oan.

- Cũng có ý kiến cho rằng, khi kỷ luật Đảng được siết chặt, pháp luật được thực thi mạnh mẽ sẽ khiến nảy sinh tâm lý e dè, lo ngại, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ, làm chậm lại sự tiến bộ, phát triển chung. Với kinh nghiệm lý luận và thực tiễn của mình, xin ông chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

- Đó là một thực tế tồn tại. Tâm lý e dè, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ cũng đã được nhiều đại biểu phản ánh, nhận định trên diễn đàn Quốc hội. Trong đời sống, đang có không ít cán bộ vừa làm vừa sợ sau này bị kỷ luật. Hiện tượng này Trung ương cũng đã nắm được. Vậy trước tiên phải xác định xem nguyên nhân tại sao, rồi mới tìm ra giải pháp.

Theo tôi, nếu trong tình huống đang có tâm lý chung với khá nhiều cán bộ e ngại, thì có hai nhóm nguyên nhân chính với hai nhóm đối tượng. Một nhóm muốn làm, nhưng còn thấy các quy chế quy định chưa được hoàn chỉnh, hợp lý, cán bộ dám nghĩ, dám làm chưa thật sự được bảo vệ, chưa được khuyến khích. Trường hợp này, dứt khoát phải đầu tư xây dựng thể chế, mà ở đây là thể chế pháp lý chứ không thể nói chuyện tình cảm. Phải xác định rõ, dám nghĩ, dám làm là thế nào, theo quy trình nào? Rồi khi có tình huống cán bộ năng động sáng tạo thì xử lý ra sao, trình tự thế nào? Nhất là những vấn đề liên quan tài chính, kinh tế lại càng phải có quy định rõ ràng.

Còn nhóm đối tượng thứ hai, sợ không dám nghĩ dám làm, thì có khả năng như Tổng Bí thư nói, "đã trót nhúng chàm", hoặc không có tinh thần "dĩ công vi thượng". Tôi nghĩ nhóm đối tượng này, như chúng tôi cũng đã đi khảo sát, số lượng không ít đâu. Trong những trường hợp này, như tinh thần của Trung ương, của người đứng đầu Đảng ta đã nhắc nhở là phải "rửa tay", phải kiện toàn.

- Như vậy, có thể thấy, hơn lúc nào hết, thực tiễn đang đòi hỏi, cần lắm những cơ chế (cả mềm và cứng) nhằm răn đe, nhưng cũng động viên, khuyến khích, bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám làm". Theo ông, phải làm sao để đáp ứng những đòi hỏi này một cách thực chất nhất?

- Như tôi đã trao đổi ở trên, tính đến thời điểm này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định liên quan công tác cán bộ. Vấn đề là thực thi ra sao cho thật sự hiệu quả.

Tôi đã đi một số địa phương, nhận thấy nhiều cán bộ đứng đầu địa phương, đơn vị tuổi còn trẻ nhưng rất hăng hái tâm huyết, muốn làm, chứ không sợ đổi mới đâu. Chúng ta phải tin tưởng vào những đồng chí ấy. Cũng như cần sớm hoàn thiện các cơ chế phù hợp thực tiễn.

- Và cuối cùng, theo Quy định số 37-QĐ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký về những điều đảng viên không được làm, có nội dung nhấn mạnh đảng viên không được "lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước". Vậy, chúng ta cần làm gì - thưa ông - để vừa bảo vệ cán bộ, vừa không để kẻ xấu lợi dụng, bao che những hành vi tiêu cực?

- Đây cũng là vấn đề lớn. Theo tôi, để thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước thì cần tăng cường tuyên truyền tốt về các chủ trương, chính sách bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới sáng tạo.

Kế đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, phải có những quy định thật rõ, thế nào là đổi mới sáng tạo, quy định về những đề xuất, quy trình thế nào phải rất rõ. Bản thân cán bộ dám làm, dám đột phá phải am tường sâu sắc các quy định của pháp luật.

Còn với các đề án, dự án đổi mới sáng tạo cũng cần quy định rõ hơn, cơ quan nào, thời gian bao nhiêu để xử lý giải quyết những ý tưởng mới.

Thực tế cũng có hiện tượng, có những đổi mới sáng tạo người ta đề xuất lên nhưng lại bị "dìm" đi.

Rồi cấp trên, những người có trách nhiệm cần có con mắt tinh tường để phát hiện, bảo vệ, khuyến khích những ý tưởng mới. Bên cạnh đó cũng cần thể chế hóa, cần có những quy định rõ để cấm việc dè bỉu, gièm pha những ý tưởng mới, những người đổi mới.

Bản thân người cán bộ tốt phải đủ năng lực dám đổi mới sáng tạo nhưng cũng phải giữ vững nguyên tắc, mà quan trọng là nguyên tắc tập trung dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời thực hiện rốt ráo các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!