Quà quê

NDO - Năm ngoái, ngày Mồng Bốn Tết là ngày tốt, chắc rằng nhiều cửa hàng sẽ bắt đầu mở cửa. Thật ra có nhà hàng không kiêng kỵ gì, đã mở hàng từ Mồng Hai.
Quà quê

Sau ba ngày Tết, ăn nặng bụng mà tiếp khách hoặc đi chúc Tết cũng mệt mỏi cho nên đầu năm muốn ra đường cho thoáng đãng và ăn thứ gì nhẹ nhàng. Xem ra nhiều người tìm đến gánh bún riêu với rau ghém ăn cho mát ruột. Anh bạn thân rủ tôi đi ăn sáng và hỏi “Ăn gì?”. Tôi không ngần ngại trả lời “Tìm hàng bánh cuốn, nếm thử đầu năm bánh cuốn Thanh Trì”. Anh bạn trả lời “Bánh cuốn nhân thịt thì đầy ra nhưng đầu năm mà tìm bánh cuốn Thanh Trì thì hơi khó, nhưng cũng có thể có. Ông đi theo tôi. Nhưng vì sao lại là loại bánh cuốn này?”.

Vì có điều cần xác minh - cũng chỉ nghĩ để bụng thế thôi.

*

Đã nghỉ làm việc, thỉnh thoảng muốn đi thăm bạn bè tôi thường hay đi xe ôm cho đỡ tắc đường. Có một bác xe ôm quen, quê Nam Định đứng ở đầu ngõ luôn giúp tôi, nhưng hôm đó ngày giáp Tết bác ta về quê sớm vì có việc gia đình cho nên phải bắt một xe lạ. Nghe tâm sự thì anh bạn cầm lái là bộ đội xuất ngũ, đã theo sư đoàn vào Sài Gòn ngày giải phóng, quê Thanh Trì. Bọn chúng tôi là học sinh Hà Nội thoát ly gia đình tham gia kháng chiến và trở thành cán bộ chuyên nghiệp từ đêm toàn quốc kháng chiến nhưng cái tuổi học trò 14, 15 cũng đủ nhớ các món ăn bình dân nổi tiếng cho nên nhắc tới quê anh lái xe tôi lại nhớ tới món bánh cuốn nổi tiếng Thanh Trì cùng với gánh phở, thúng xôi ngô của bà cụ ngồi đầu phố Hàng Khoai, rồi bánh dày Quán Gánh, bánh tôm Hồ Tây... để nhớ về Hà Nội khi xa nhà trong hai cuộc kháng chiến.

Biết anh quê vùng có bánh cuốn nổi tiếng, tôi khen là món ăn ngon, không phải chuyện đãi bôi mà là khen thực lòng, cũng là để chia sẻ tình thân của những người Hà Nội có chung ẩm thực một vùng quê.

Thông thường khi nhắc tới món ăn quen thuộc của vùng quê thì người tiếp chuyện thường vui vẻ, nhưng hôm đó anh bạn vừa lái xe vừa nói:

“Đó là món ăn ngon của Hà Nội thủa xưa, nhưng bây giờ các bác tiệc tùng lu bù, sơn hào hải vị đều nếm trải thì món ăn dân dã quê tôi đâu còn hợp vị! Nhiều nhà làm bánh truyền thống ở quê tôi cũng phải chuyển mặt hàng, cũng làm bánh cuốn nhưng phải có nhân thịt cho hợp với người ăn ngày nay đã khá giả hơn. Bánh cuốn nhân thịt với hành, mộc nhĩ dù có làm ở Thanh Trì cũng không được người Hà Nội gọi là bánh cuốn Thanh Trì”. Anh ta ăn nói bốp chát thẳng băng mang máu nhà lính và hình như có pha chút ấm ức gì đó. Nhưng dù sao cũng là một nhận xét gieo vào lòng tôi những điều cần suy nghĩ không chỉ về một món quà quê.

Vì nghe anh nói thế, tôi giật mình nghĩ mình đã cố sống cuộc đời bình thường nhưng anh bạn vẫn nhận ra cái vẻ “quan” quen hưởng của ngon vật lạ... Thật ra khi còn làm việc, không ai đủ tiền để thường xuyên vào các nhà hàng đặc sản, tôi cũng không thuộc người tiệc tùng lu bù nhưng thỉnh thoảng có cơ quan mời ăn cho nên cũng đã từng biết qua nhiều thứ kể cả những thứ mà ngày xưa để tiến vua, nhưng bảo rằng vì thế mà tôi quên đi những thứ quà quê nổi tiếng gắn với những kỷ niệm một thời thì có đúng hay không. Chính vì lẽ đó mà tôi muốn tìm ăn bánh cuốn Thanh Trì ngay trong ngày đầu năm để thử miệng cũng là thử lòng.

*

Anh bạn dẫn tôi ăn sáng hôm đó là người Hà Nội gốc, lại là người sành sỏi quán xá, nhưng nghe tôi muốn ăn bánh cuốn Thanh Trì cũng thấy khó tìm, nhưng rồi anh nói “Cũng có thể có”. Anh dẫn tôi vòng vèo đến phố Tô Hiến Thành, nói ở Hà Nội cũng có nhiều nơi bán bánh cuốn Thanh Trì nhưng cũng nhiều hàng mạo danh, gắp đũa bánh lên thấy bở và lá bánh dày như mo là biết ngay của giả, còn đây là quán chuyên bán bánh cuốn Thanh Trì từ nửa thế kỷ nay, hàng từ gốc Thanh Trì đưa lên vì vẫn có khách chuộng.

Vào quán, chúng tôi chúc mừng năm mới bà chủ rồi gọi hai đĩa bánh cuốn Thanh Trì, bà chủ hồ hởi nói ngay, may mà sáng nay bà con ở Thanh Trì mới đưa lên ba tay bánh để bán cho khách quen đầu năm. Bà lấy tay bánh ra cẩn thận lật tấm lá phủ rồi lột từng chiếc bánh mỏng như tờ giấy không một vết thủng, vết rách, lá bánh trắng điểm xuyết nhúng lá hành xanh bóng mỡ quen thuộc; rồi bà chủ quán lấy kéo cắt đôi cho vào đĩa, xếp lộ ra cho khách ăn thấy rõ xấp bánh mỏng tang và đều như mép quyển vở học trò, cắt miếng chả quế cho vào bát nước chấm khéo chế biến.

Ngồi nhấm nháp đĩa bánh cuốn Thanh Trì, thấy anh bạn lái xe ôm nói không đúng vì tôi ăn vẫn thấy ngon miệng, vừa ăn vừa nhớ tới cái buổi ăn đĩa bánh chấm vào bát nước chấm có hương vị cà cuống gợi cảm ngay tại làng quê trong quán nhỏ ven bờ sông Hồng khi làng chưa đổi thành phường. Tất nhiên bây giờ có nhiều thứ của ngon vật lạ của Ta, của Tây, của Tàu, có bát phở vài trăm nghìn đồng, có bữa ăn sáng cả triệu đồng, đúng là có một số người đã quên những món quà quê của thời gian khó nhưng không ít người có nhiều tiền, nhiều quyền thế, có đủ tiền, hoặc có người mời ăn những món ăn sang trọng nhưng họ vẫn không quên món quà quê như anh bạn lái xe nói. Ngày nay đọc lại Thạch Lam, Vũ Bằng và cả Băng Sơn gần đây, miêu tả những món ăn xưa gói ghém trong đó lòng nhớ về Hà Nội, về quê hương, đất nước. Ăn mà như đẫm mình trong hoài niệm. Thế thì làm sao mà quên được!

.....................

Minh họa: HOÀNG PHƯỢNG VĨ