Nan giải quản lý thuế kinh doanh online

BÁO cáo thống kê của Tổng cục Thuế ghi nhận đến nay có 333 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo,… Cụ thể, trong quý đầu năm 2023, có 64.327 cá nhân và 22.840 tổ chức kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, với 9 tỷ lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 11.478 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00

Sau hơn một năm vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, tính từ tháng 3/2022 đến nay, đã có 67 nhà cung cấp đến từ nhiều quốc gia, với những tên tuổi hàng đầu thế giới: Google, Apple, TikTok,… đã tự nguyện đăng ký kê khai và nộp thuế trực tiếp qua cổng, với số thuế 5.803 tỷ đồng.

Điều đáng nói, nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng online trên sàn thương mại điện tử có sử dụng công cụ để làm tăng lượt giao dịch như một chiêu quảng cáo. Nhiều người bán hàng online có dấu hiệu làm giảm doanh thu để giảm số thuế phải nộp. Thậm chí, đã có trường hợp, một người bán hàng online năm gần nhất đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, lũy kế ba năm, doanh thu lên tới… 40 tỷ đồng nhưng lại chưa kê khai, đăng ký thuế. Theo tính toán của cơ quan chức năng, số thuế bị truy thu lên tới 600 triệu đồng, đó là chưa tính tiền phạt vì các lý do như: đăng ký thuế chậm, xuất sai thời điểm hóa đơn, chậm nộp thuế…

Lâu nay, ngành thuế cũng thừa nhận, thương mại điện tử là lĩnh vực thất thoát thuế khá lớn, cơ quan thuế chưa kiểm soát được hoạt động kinh doanh mua bán cũng như doanh thu thực tế của nhiều cá nhân, tổ chức. Chia sẻ khó khăn từ góc độ cơ quan quản lý, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế gặp khó khi quản lý đầy đủ các nguồn thu, các đối tượng kinh doanh không biên giới, không giới hạn về không gian, thời gian... Do trong thời gian qua, thông tin các sàn thương mại điện tử cung cấp chưa được xác thực, chưa đầy đủ.

Trong suốt thời gian dài, ngành thuế đã ghi nhận thất thu lớn từ những "ông lớn" như: Google, Facebook, YouTube,… khi số thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay chỉ quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng trong khi doanh thu của những doanh nghiệp này là hàng tỷ USD/năm. Hiện có một thực tế là nhiều cá nhân dễ dàng kiếm tiền nhờ kinh doanh online, và dễ "qua mặt" cơ quan thuế.

Vấn đề này đã đặt ra bài toán cấp thiết cho ngành thuế và các cơ quan chức năng về việc làm thế nào vừa tạo điều kiện thông thoáng nhất cho các sàn giao dịch điện tử hoạt động, vừa ngăn chặn việc thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này?

CÓ lẽ, đã đến lúc, cần có chế tài xử lý "mạnh tay" để từ những "ông lớn" kinh doanh xuyên biên giới đến những người bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử phải chủ động đăng ký, nộp thuế trước khi cơ quan thuế "rà" đến tên. Và quan trọng là các ngành quản lý thương mại điện tử, dữ liệu dân cư cần kết nối với ngành thuế để chia sẻ dữ liệu, khi đó mới có thể ngăn thất thu thuế từ lĩnh vực này