1 Cũng thời gian, cách nay chưa mấy lâu mà đã thành dĩ vãng xa xôi, những đêm nhạc Phú Quang đều có riêng một người dẫn chương trình đặc biệt: Nhạc sĩ-nhà lý luận phê bình Hồ Quang Bình. Người đàn ông đạo mạo tóc trắng, có chất giọng trầm ấm cất lên một thứ tiếng Việt tuyệt đẹp tương thích đến nao lòng với những đêm nhạc Phú Quang trong không gian Nhà hát Lớn. Nhà hát Lớn gần như là lựa chọn duy nhất của Phú Quang khi đưa âm nhạc tới với khán giả Hà Nội và như ông từng kể, mà thật ra là khoe: Khán giả âm nhạc Phú Quang luôn đặt loại vé có giá thành đắt nhất, dù có thể chỉ cách nhau hàng ghế trước sau, bởi không hẳn chỗ ngồi, mà như công cụ thể hiện đẳng cấp của một lớp thị dân điệu đàng, khấm khá. Nhạc sĩ Hồ Quang Bình mất năm 2014 vì bạo bệnh, thiếu đi một người bạn đồng hành, Phú Quang cũng không tìm kiếm các gương mặt MC thời thượng thay thế, ông sẽ nhờ NSND Lê Khanh, hoặc chính mình làm luôn nhiệm vụ dẫn dắt, kết nối chương trình.
Công chúng của Phú Quang ở Nhà hát Lớn Hà Nội, công chúng vẫn nghe Phú Quang qua băng đĩa và các nền tảng đa phương tiện thịnh hành đương thời, công chúng thường ngẫu hứng ê a những giai điệu Phú Quang trong mỗi khắc đời thường, thực ra bị choáng ngợp bởi kho tàng ca khúc hàng trăm bài, không ít trong số đó được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tung hô "bất hủ", để rồi lỡ xao nhãng một Phú Quang không lời-Phú Quang của những bản nhạc không lời đã nằm lòng trong ký ức lớp thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam thập niên 80, 90 thế kỷ 20. Mối tình với một nghệ sĩ flute (sáo tây) tài năng trở thành nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Phú Quang tạo tác nên Khát vọng, Tình yêu của biển..., những bản nhạc lay động tâm can được chuyển soạn cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Xuất phát điểm là nhạc công kèn cor của Nhà hát Giao hưởng-Hợp xướng- Nhạc vũ kịch Việt Nam, đi học chỉ huy dàn nhạc và sáng tác, ngay từ năm 1978, chưa đầy 30 tuổi, nhạc sĩ Phú Quang đã lập danh bằng Tình yêu của biển, mà nhạc sĩ Hồ Quang Bình từng cảm thán: "Tất cả những vẻ đẹp đến ngây ngất dịu dàng và đằm thắm được hiện diện trên mỗi âm thanh của nhạc cụ flute. Khi tiếp cận những giai điệu mỹ cảm bất tận này, rằng ở đây là hơi thở tình yêu của biển, rất bình yên. Thật ra không phải chỉ có thế, cùng với những gì cho ta niềm thương mến là sự xao động mạnh mẽ triền miên tuôn chảy, bởi chẳng bao giờ lại chỉ có yên lành". Trong cái bộn bề mỏi mệt của thường ngày, ngay những khắc giây này, thanh âm Tình yêu của biển, Khát vọng, Câu chuyện tình yêu... bất giác lan tỏa, nhiều người mới vỡ òa, những giai điệu du dương đó thực ra rất quen, rất thân, được níu giữ trong vùng ký ức phát ra từ những radio xè xè ọp ẹp, trong những chương trình âm nhạc, những buổi Đọc truyện đêm khuya, Câu chuyện truyền thanh... từng là món ăn tinh thần mặc định của bao lớp người mộng mơ và thiếu thốn. Nhạc không lời của Phú Quang vẫn đấy, vẫn đẹp, kiêu hãnh, sang trọng..., chỉ vô tình bị thời gian hững hờ, khuất lấp.
2 Phú Quang không chỉ có ca khúc, Phú Quang không chỉ có Nỗi nhớ mùa đông, Em ơi, Hà Nội phố..., ông còn làm nên vị thế riêng biệt với nhạc phim, góp phần không nhỏ làm nên thành công của những tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển như Bao giờ cho đến tháng Mười và phiên bản Em ơi Hà Nội phố hay bậc nhất lại chính là Thanh Lam lúc ấy còn rất trẻ, rất non tơ, rất rụt rè đứng hát trong phim Xích lô của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Một mình Lê Vân cùng âm nhạc Phú Quang trong phiên chợ Âm Dương ở Bao giờ cho đến tháng Mười đã làm thành khoảnh khắc không thể phai mờ của phim Việt. Gắn bó với Dàn nhạc Mùa thu, Phú Quang bắt đầu phối khí, dàn dựng và chỉ huy biểu diễn nhiều ca khúc mới ra đời của bạn bè đồng nghiệp. Chuyển soạn cho dàn nhạc nhẹ thính phòng Mùa thu trình tấu những ca khúc cách mạng nổi tiếng, cũng là cách thức tạo nên âm ba thu hút được lượng thính giả dồi dào. Tinh tế, cuốn hút dẫu dễ nghe, dễ thụ hưởng..., Dàn nhạc Mùa thu của Phú Quang được nhạc sĩ-nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha liên tưởng tới một Paul Mauriat của Việt Nam. Tiếc rằng, hoặc vì Phú Quang chuyển công tác vào TP Hồ Chí Minh, hoặc vì lý do nào đó, Dàn nhạc Mùa thu chỉ còn xuất hiện trong hồi ức của thính giả, nhất là trong nỗi tiếc nuối vào những ngày thông tin nhạc sĩ giã biệt cõi đời ngập tràn trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội... Sinh thời, chắc ông khó có thể dự đoán, lúc ông ra đi, công chúng âm nhạc lại khóc thương ông nhiều đến thế. Nhớ Phú Quang, những người nghe nhạc của ông chạnh buồn xót thương cho vùng ký ức mênh mang trong tâm khảm chính mình, những vùng ký ức không bao giờ có thể lấp đầy bằng tiện nghi đủ đầy đắt giá...
Nhạc sĩ Phú Quang họ Nguyễn, sinh năm 1949 tại Phú Thọ, dù quê gốc ông ở Hà Nội. Lên 5 tuổi, ông theo gia đình về sống tại Ngõ Chợ, Khâm Thiên. Phú Quang từng học trung cấp kèn cor tại Nhạc viện Hà Nội. Sau chừng 10 năm làm nhạc công, ông tiếp tục học chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc cũng tại Nhạc viện. Ra trường, sau một thời gian công tác tại Dàn nhạc giao hưởng, ông chuyển vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp và tạo dựng tên tuổi vững vàng ở đô thị sôi động bậc nhất nước. Sau 25 năm sinh sống ở phương nam, Phú Quang lại ngược ra Hà Nội. Rất nhiều trong gia tài chừng 600 ca khúc của ông, đa phần là phổ thơ, được cho là viết về Hà Nội, cả khi không có một từ Hà Nội nào xuất hiện trong bài. Với tình yêu vô bờ dành cho Hà Nội, truyền tải tình yêu Hà Nội đến công chúng âm nhạc cả nước, năm 2020 Phú Quang đã được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội... Nhạc sĩ Phú Quang qua đời ngày 8/12, giữa cái se lạnh đầu đông Hà Nội, để lại những tiếc thương ngập tràn nỗi nhớ mùa đông trong những người yêu mến âm nhạc của ông...