Ðạo diễn, NSƯT Vương Khánh Luông:

Có những thước phim được đổi bằng xương máu

Là quay phim trẻ nhất được vinh dự cầm máy quay bám theo bước chân giải phóng thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh, NSƯT Vương Khánh Luông đang ấp ủ một bộ phim về thế hệ quay phim thời chống Mỹ, cứu nước. Thế hệ những nghệ sĩ - người lính mà nói như ông,"không chỉ may mắn chứng kiến mà còn được ghi chép lịch sử bằng những khuôn hình, như món quà vô giá dành tặng thế hệ mai sau".

Có những thước phim được đổi bằng xương máu

Thấm đẫm chất hùng ca

- Cụm từ "quay phim trẻ nhất" khiến tôi rất đỗi tò mò, thưa ông?

- Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ cái ngày 30-4-1975 lịch sử, khi bắc nam liền một dải vang ca khúc hát khải hoàn vui ngày sum họp. Cũng tròn bốn thập kỷ, tính từ thời điểm đông đảo nghệ sĩ điện ảnh cùng đồng hành với đoàn quân giải phóng, "thế tiến công như sức mạnh thần kỳ" vào cửa ngõ Sài Gòn. Và lưu giữ lại cho đời những khuôn hình thấm đẫm chất hùng ca của điểm cuối chặng đường gian nan mà cả dân tộc đã phải mất 21 năm đằng đẵng mới cán đích. Sài Gòn khi ấy, trong cảm nhận của tôi, không khác gì ngày hội của người làm điện ảnh. Cánh quay phim thuộc nhiều đơn vị như Xưởng phim Quân đội, Xưởng phim tài liệu và khoa học trung ương, Xưởng phim truyện Việt Nam... mừng rỡ gặp nhau, hồ hởi ghi hình thành phố vừa được giải phóng trong đồng phục mầu xanh áo lính.

Lúc ấy, tôi mới 19 tuổi, đang là sinh viên năm thứ ba, lớp quay phim khóa 6 của Trường Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội. Ðầu tháng tư năm 1975, được Cục Ðiện ảnh điều động, tôi cùng ba thầy giáo (Lê Ðăng Thực, Nguyễn Mạnh Lân và Trần Thế Dân) và bốn bạn cùng lớp (Phạm Việt Thanh, Nguyễn Hữu Tuấn, Trần Vũ Huấn, Trần Tuấn Khanh) lên đường. Những hình ảnh mà đoàn chúng tôi ghi lại trên hành trình đã xuất hiện trong hai bộ phim tài liệu Và mưa đã xóa nhòa dấu vết, Bóng mát rừng dừa do NSND Trần Thế Dân đạo diễn. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với người anh cả - đang là lính của Binh đoàn 559 tại Nha Trang và niềm hạnh phúc khi nhận ra "hết chiến tranh rồi, đã chấm dứt những hy sinh, mất mát" là những ấn tượng mà tôi chẳng thể nào quên trong chuyến đi ấy, cho tới tận bây giờ.

- Dự định vẽ lại chân dung cả một thế hệ quay phim thời ấy sẽ thế nào, trong tác phẩm mà ông đang ấp ủ?

- Trong kịch bản của tác giả Vũ Thị Diệp, bộ phim có tựa đề Sài Gòn tháng 4 năm 1975. Không tham vọng làm phim theo lối biên niên sử, không ôm đồm liệt kê tất cả những nhà quay phim chiến trường đã từng đồng hành với người lính trên mọi nẻo đường chiến đấu, tác phẩm sẽ dựa trên dòng ký ức và mạch xúc cảm của chính tôi. Trên hành trình từ bắc vào nam, mỗi địa danh nhắc tôi nhớ lại những gương mặt đồng nghiệp, nhắc tôi nhớ lại sự hy sinh của nhiều thế hệ người cầm máy. Trong quá trình chuẩn bị làm phim, tôi phải "bơi" trong một "biển" thông tin, tư liệu khổng lồ. Nhìn lại những thước phim được đánh đổi bằng cả máu xương của các anh chị, tôi cảm thấy bất lực. Bởi khó có thể nói hết, nói đủ về họ, khi di sản hình ảnh để lại về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ quá lớn...

Có những thước phim được đổi bằng xương máu ảnh 1

Cảnh phim Thành phố lúc rạng đông.

Tâm thế và hành trang người lính

- Tưởng tượng những nhà quay phim phải tác nghiệp ra sao giữa điều kiện mưa bom, bão đạn, thiếu thốn trăm bề thật khó, thưa ông?

- Ngồi xem lại những thước phim tư liệu ngày ấy, tôi mới nhận ra để có được những khuôn hình sống động, chân thực, thậm chí rất lãng mạn (hình quay rất đẹp, ánh sáng được lựa chọn công phu) ấy, thế hệ đàn anh của tôi phải chịu đựng những vất vả, gian khổ nằm ngoài sức tưởng tượng ra sao. Ngoài lúc tác nghiệp, họ cũng phải cầm súng chiến đấu, cầm cuốc xẻng tăng gia để lấy lương thực, "để trước hết phải sống đã" - như một nhà quay phim tâm sự với tôi. Máy quay chủ yếu dùng phim 16 ly, chạy bằng dây cót. Nguồn phim đa phần là ORWO của Ðức, độ nhạy bắt sáng không cao nên rất khó quay đêm. Chiến trường càng ác liệt, nguồn cung cấp khó khăn làm quay phim phải tiết kiệm từng mét. Phim quay xong là đóng gói nguyên hộp gửi ra bắc in tráng, tỷ lệ mất mát, thất thoát khá lớn. Tôi nhớ chuyến xe vận chuyển phim Lũy thép Vĩnh Linh cùng bốn nghệ sĩ của Hãng đã trúng tên lửa, người hy sinh, phim phải quay lại toàn bộ. Thiệt thòi hơn nữa là rất nhiều người quay phim không bao giờ có điều kiện xem lại những sản phẩm của chính mình, thậm chí khi xem phim còn không nhận ra nổi đó là những khuôn hình mình quay.

- Vị trí của người trẻ nhất lúc ấy đã giúp ông vừa được trực tiếp tham gia chiến dịch vừa có cơ hội chiêm nghiệm về thế hệ ấy, khi nhiều đồng nghiệp - đồng đội ngày đó giờ đã không còn?

- Tôi đã nghĩ nhiều về chân dung của cả thế hệ quay phim thời chống Mỹ. Thế hệ vào trận bằng tâm thế và hành trang của người lính. Những sinh viên của lớp quay phim mặt trận ngày ấy được đào tạo chủ yếu về thực hành trong một hai năm, được rèn luyện thể lực bằng cách đeo ba lô gạch đá hành quân xuyên đêm lên tận Xuân Mai. Tốt nghiệp là vào ngay chiến trường, là vai mang ba lô, tay súng, tay ôm theo máy quay. Người lính chiến đấu, hy sinh thế nào thì họ cũng vậy. Bởi trong cuộc chiến, bom đạn đâu có từ ai. Liệt sĩ Nguyễn Văn Giá hy sinh trên đường từ căn cứ về đồng bằng. Quay phim Tiến Sỹ bị thương, gãy cả hai tay trong một lần tác nghiệp. Một bà má ở Mỹ Tho đã nuôi giấu ông dưới hầm kín nhiều tháng trời, giặc càn là phải giấu ông trong lu nước thả trôi giữa đồng. Vết thương nhiễm trùng, hoại tử khiến ông vĩnh viễn mang tật, sau này không còn làm chủ được máy quay...

Trong bối cảnh ác liệt ấy, nhiều người từng học hành bài bản ở nước ngoài vẫn chọn đi B, không nề hà gian khó (liệt sĩ Nguyễn Văn Giá được đào tạo tại Liên Xô, NSND Trần Thế Dân tu nghiệp tại Trung Quốc...), nhiều người đã được ra bắc vẫn chọn quay lại chiến trường sát cánh cùng đồng nghiệp (như quay phim Trần Quý Lục...). Thế hệ ấy, sau này đều trở thành những tay máy tên tuổi trong ngành điện ảnh, rất nhiều người giờ đã mất. Nhưng trong thời bình, phần lớn họ luôn chọn cách sống ẩn mình, chấp nhận mọi hy sinh, thua thiệt, không hề đòi hỏi gì cho bản thân. Như một người lính!

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

"Trái ngọt" ngành điện ảnh "thu hoạch" được sau những ngày đêm thần tốc đồng hành cùng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bao gồm: Tháng 5 - Những gương mặt (đạo diễn Ðặng Nhật Minh), Sài Gòn mùa thu năm 1975 (ÐD Thanh An), Qua cầu Công lý (ÐD Trần Vũ), Sài Gòn, tháng 5 năm 1975 (ÐD Bùi Ðình Hạc), Thành phố lúc rạng đông (đạo diễn Hải Ninh)...

Từ rất nhiều thước phim tư liệu, loạt phim phóng sự Ban Mê Thuột ngày đầu giải phóng, Trên đường qua Huế giải phóng, Ðà Nẵng giải phóng, Quy Nhơn giải phóng, Nha Trang tháng Tư, Những hình ảnh đầu tiên về Côn Ðảo, Ký sự Bến Tre... được các nghệ sĩ thuộc Xưởng phim tài liệu và khoa học Trung ương cho ra đời.

Nhóm nghệ sĩ Thanh An - Mai Lộc làm loạt phim phóng sự từ 20 đến 30 phút: Vài hình ảnh ghi nhanh về Sài Gòn giải phóng, Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Ðịnh ra mắt, Sài Gòn vui chiến thắng, Lễ mừng độc lập 2-9 tại Sài Gòn... Xưởng phim Quân đội có Chiến thắng lịch sử Xuân 1975. Cũng trên những tư liệu phong phú mà các nhà quay phim thu vào ống kính, Xưởng cho ra mắt Cuộc đụng đầu lịch sử (18 cuốn, sản xuất năm 1980) và bốn tập Mùa xuân toàn thắng (17 cuốn, sản xuất 1994).