Bộ đội thời bình
và “thế trận lòng dân”

Dựa vào dân, chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là quan điểm nhất quán, chủ trương chiến lược của Đảng được Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” tiếp tục khẳng định.

“Thế trận lòng dân” được hiểu là tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu, phấn đấu của toàn dân tộc được quy tụ, tập hợp, khơi dậy, phát huy, tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng huy động nhằm thực hiện các mục tiêu của cách mạng.

Đảng ta tiếp tục xác định quan điểm: phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện hiệu quả đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân với phương châm dựa vào dân, “dân là gốc”; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội nhân dân Việt Nam với cách gọi gần gũi là “Bộ đội Cụ Hồ”, với chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất; từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đóng vai trò rất quan trọng, là lực lượng nòng cốt, xung kích, tiên phong trong xây dựng “thế trận lòng dân” trong thời bình.

Với ý nghĩa đó, “Bộ đội thời bình và thế trận lòng dân” là tiêu điểm của Nhân Dân hằng tháng số tháng 12 - nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).

Khi quân với dân một ý chí

Ảnh: Trần Hải

Ảnh: Trần Hải

“Thế trận lòng dân” là nét đặc sắc trong truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam, được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử, được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Chính vì có “thế trận lòng dân” vững chắc mà dân tộc ta đã nhiều lần đánh bại các thế lực ngoại xâm, giành và giữ vững độc lập dân tộc. Giữ vững lời thề với dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã viết nên truyền thống “Gắn bó máu thịt với nhân dân; quân với dân một ý chí”, tiếp tục củng cố và phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” để xây dựng Quân đội vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sức mạnh trường tồn

Trải qua hàng nghìn năm đánh giặc giữ nước, dân tộc Việt Nam tạo nên nét riêng có, đó là không dựa vào thành quách để chống giặc dữ mà dựa vào làng xã, nơi cư trú của cộng đồng, tổ chức phòng thủ linh hoạt để cản phá bước tiến ồ ạt của kẻ xâm lăng, khi thời cơ đến sẽ tổ chức phản công đánh đuổi quân thù. Với người Việt, nước mất vẫn còn làng, làng là hạt nhân, là nơi quy tụ, nhân lên lòng yêu nước, ý chí căm thù, thôi thúc cùng nhau đánh giặc giữ làng, giữ nước. Làng liên kết làng tạo nên thế trận trùng điệp, là nơi phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân để đánh giặc giữ nước. Tất cả được xây dựng dựa trên lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương, đất nước của lực lượng toàn dân trên khắp cả nước – đó chính là “thế trận lòng dân”.

Truyền thuyết Thánh Gióng cưỡi lưng ngựa sắt, nhổ tre ngà đánh giặc là nhằm ngợi ca truyền thống huy động sức mạnh của cả cộng đồng để chống ngoại xâm. Tương phản đó là Loa Thành vững chắc, nỏ thần hiệu nghiệm nhưng An Dương Vương không giữ nổi thành; hay câu nói của Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng trong cuộc bàn kế sách chống quân Minh của Triều Hồ: “Thần không sợ đánh giặc, chỉ sợ lòng dân không theo”, đã phản ánh sự bất lực của triều đình trước quân xâm lược, dù đã có súng “thần cơ”, đắp được thành Đa Bang, nhưng không thu phục được lòng dân, không có nhân dân ủng hộ nên cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ nhanh chóng thất bại. Dù Triều Nguyễn ký Hiệp ước Nhâm Tuất, từ bỏ vai trò lãnh đạo nhân dân kháng Pháp xâm lược, nhưng dựa vào dân, được nhân dân hăng hái ủng hộ, cuộc khởi nghĩa của Trương Định lan rộng khắp Nam Kỳ.

Nhân dân là cội nguồn sức mạnh, “thế trận lòng dân” là thế trận vững chắc nhất. Đây là thế trận đặc biệt, không biểu hiện bằng hình hài cụ thể mà bằng tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh, nhân lên, tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, để thực hiện các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tại buổi lễ thành lập, trong những lời thề vang lên giữa rừng xanh chiến khu, lời thề thứ 9: “Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng ba điều nên: kính trọng dân, cứu giúp dân, bảo vệ dân; và ba điều răn: không dọa nạt dân, không lấy của dân, không quấy nhiễu dân để gây lòng tin cậy ái đới của dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí, cứu nước diệt gian” đã thôi thúc bao thế hệ cán binh “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu” là Quân đội của nhân dân, được dân tin yêu, mến phục, thương yêu đùm bọc, góp phần xây đắp nên “thế trận lòng dân” tăng thêm sức mạnh để Quân đội làm nên những chiến công hiển hách, cùng nhân dân hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi”.

Tình quân dân ở vùng biên Tổ quốc.

Tình quân dân ở vùng biên Tổ quốc.

"Thế trận lòng dân" thời bình

Trong thời bình, Đảng ta xác định xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm 3 yếu tố: xây dựng tiềm lực, xây dựng lực lượng và xây dựng thế quốc phòng toàn dân, trong đó “thế trận lòng dân” là yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng thế quốc phòng toàn dân.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam khẳng định: “Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng Việt Nam”. Vấn đề “thế trận lòng dân” được nâng lên một tầm cao mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ tiếp tục khẳng định vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” mà còn bổ sung thêm vấn đề phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”. Quân đội nhân dân Việt Nam được xác định giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng “thế trận lòng dân”.

Tại khoản 2, Điều 25 Luật Quốc phòng năm 2018 xác định: “Quân đội nhân dân có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Dù trên mặt trận chống giặc ngoại xâm hay xây dựng kiến thiết kinh tế và phát triển đất nước, 80 năm qua, quân đội luôn dựa chắc vào nhân dân lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc. Các thế hệ cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tiếp nối truyền thống, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện đúng chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.

Trong thiên tai, bão lũ, bộ đội luôn kề vai sát cánh với dân; vì tính mạng và tài sản của dân, không quản khó khăn, hy sinh, gian khổ sẵn sàng xả thân để cứu dân. Biết bao những việc làm thiết thực khác thể hiện tình cảm gắn bó quân dân như: bộ đội giúp dân sửa cầu đường, giúp dân xóa nạn mù chữ, xóa bỏ những hủ tục, chữa bệnh cứu người,… đã trở thành việc làm thường xuyên, được coi như công việc hiển nhiên của Bộ đội Cụ Hồ, là minh chứng cho lòng trung thành, sự gắn bó quân - dân, thực hiện lời thề vì dân được vang lên trong ngày thành lập, góp phần củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện lời thề chiến đấu vì nhân dân, hết lòng vì nhân dân của cán-binh Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy được sức mạnh nhân dân cho xây dựng quân đội, để quân đội lớn mạnh, trưởng thành, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang. Cũng vì lẽ đó, Ngày thành lập Quân đội 22/12 được lấy làm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; là ngày hội của truyền thống dựng nước và giữ nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; là ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, để tiếp tục củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, toàn quân ra sức phát huy truyền thống “Gắn bó máu thịt với nhân dân; quân với dân một ý chí” quán triệt tư tưởng “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, luôn gương mẫu và sát cánh cùng nhân dân cả nước thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác dân vận; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng địa bàn an toàn, ổn định, đi đầu tham gia giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là ở địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Những mô hình hết sức sáng tạo như “Hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp với công tác dân vận”, “Xây nhà cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo”; “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”; “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”; phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, “Nâng bước em đến trường”...; triển khai các đoàn kinh tế quốc phòng, các dự án biển đảo, điểm dân cư mới, được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Đặc biệt, quân đội luôn xác định tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Nhiều tấm gương hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc càng làm sáng đẹp hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc - nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Lê Thanh Bài-Hồng Hạnh-Phùng Nguyên-Thiên Thanh
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, sư đoàn 316.