Phân cấp, phân quyền & ủy quyền

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ xã Kiên Mộc (Đình Lập, Lạng Sơn) hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính. Ảnh | KHÁNH AN
Cán bộ xã Kiên Mộc (Đình Lập, Lạng Sơn) hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính. Ảnh | KHÁNH AN

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu quả, chất lượng của nền quản trị quốc gia và đang được Đảng, Nhà nước triển khai quyết liệt vào cuộc sống. Trên thực tế, nội hàm của cụm từ phân cấp, phân quyền ở ta bao gồm 3 khái niệm: phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Về phân cấp, ở hầu hết các tỉnh, thành của nước ta, chính quyền gồm 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Ở khu vực đô thị của Hà Nội, chính quyền gồm 3 cấp: Trung ương, thành phố, quận. Ở khu vực đô thị của TP Hồ Chí Minh, cơ bản chính quyền gồm 2 cấp: Trung ương, thành phố (ngoại trừ thành phố Thủ Đức đang vận hành như chính quyền cấp quận). Vấn đề quan trọng nhất về phân cấp là xác định về mặt lý thuyết, chính quyền ở nước ta nên được phân chia thành mấy cấp. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, chính quyền thường được phân chia thành ba cấp. Theo Hiến pháp năm 1946, chính quyền nước ta chỉ có 3 cấp là: Trung ương, tỉnh, xã. Phân chia chính quyền theo ba cấp là hợp lý vì vừa bảo đảm tính liên thông giữa các cấp, vừa làm cho chính quyền không bị quá cồng kềnh, quy trình quản trị không bị cắt khúc.

Tuy nhiên, cấp chính quyền và cấp hành chính có thể khác nhau. Một số nước như Pháp, Đức có 3 cấp chính quyền, nhưng vẫn có đến 4-5 cấp hành chính. Theo Hiến pháp năm 1946, nước ta có 3 cấp chính quyền, nhưng có đến 5 cấp hành chính: Trung ương, bộ (Bắc, Trung, Nam), tỉnh, huyện, xã. Đáng chú ý, cấp bộ đại diện cho các tỉnh; cấp huyện đại diện cho các xã.

Rút kinh nghiệm của Hiến pháp năm 1946, nên chăng cần thành lập cấp hành chính vùng thay cho cấp hành chính bộ. Theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, chúng ta đang có 6 vùng kinh tế, đơn vị hành chính vùng sẽ là 6 và đại diện cho các tỉnh trong vùng.

Về phân quyền, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương”. (Khoản 2, Điều 112). Như vậy, chúng ta đã có căn cứ hiến định để tiến hành phân quyền một cách mạnh mẽ và đổi mới.

Trên thế giới có bốn mô thức phân quyền: Mô hình song trùng trực thuộc (Hay còn gọi là mô hình Xô Viết, về cơ bản, chúng ta đang theo mô hình này); Mô hình song trùng giám sát (từng được áp dụng ở nước ta trong thời Pháp thuộc); mô hình điều chỉnh (được áp dụng ở Anh, Mỹ và các nước theo truyền thống Anh, Mỹ); Mô hình bổ trợ (được áp dụng ở Đức, các nước Bắc Âu, Nhật Bản). Trong 4 mô hình trên, có hai mô thức rõ ràng đưa lại sự thịnh vượng và sự phát triển vượt bậc cho nhiều nước. Đó là mô thức điều chỉnh (regulation): thẩm quyền nào đã phân chia cho trung ương thì không phân chia cho địa phương và ngược lại; và mô thức bổ trợ (subsidiary): tất cả các thẩm quyền mà cấp dưới có thể đảm nhiệm thì giao hết cho cấp dưới, chỉ những thẩm quyền cấp dưới không thể đảm nhiệm mới giao lên cho cấp trên. Với truyền thống lịch sử và văn hóa của người Việt, phân quyền theo mô thức bổ trợ có vẻ phù hợp hơn với nước ta.

Ủy quyền là khái niệm pháp lý đề cập đến việc chuyển giao quyền lực từ một chủ thể, thường là cấp cao hơn, cho một chủ thể khác, thường là cấp thấp hơn, để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể hoặc đưa ra quyết định. Điều này trao quyền cho người được ủy quyền hành động thay mặt cho người ủy quyền trong phạm vi thẩm quyền được cấp.

Về mặt nguyên tắc, việc ủy quyền phải được định nghĩa rõ ràng, nêu rõ các quyền hạn và trách nhiệm được chuyển giao, cùng với bất kỳ hạn chế hoặc ràng buộc nào. Người được ủy quyền vẫn phải chịu trách nhiệm trước người ủy quyền về việc thực hiện đúng đắn các quyền hạn được ủy quyền. Người ủy quyền có quyền thu hồi ủy quyền nếu cần thiết. Một số nhiệm vụ cốt lõi của người ủy quyền không thể được ủy quyền, chẳng hạn như những nhiệm vụ đòi hỏi sự quyết đoán tuyệt đối hoặc phán đoán cá nhân.

Cuối cùng, tuy thuật ngữ được dùng là phân cấp, phân quyền, nhưng hình thức ủy quyền đang được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Vấn đề là chúng ta cần xây dựng và ban hành một quy chế pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn về ủy quyền.