Phái sinh không phải để “gỡ gạc”

Việc thanh khoản trên thị trường phái sinh tăng mạnh, với những phiên đạt hơn 40.000 tỷ đồng giá trị giao dịch, hoặc hơn nữa, một mặt cho thấy sự sôi động của thị trường này, nhưng mặt khác, nhà đầu tư (NĐT) cũng cần lưu ý đến khía cạnh rủi ro.
0:00 / 0:00
0:00

Việc VN Index bị xuyên thủng ngưỡng 1.000 điểm có thể khiến NĐT suy nghĩ về những thách thức trên thị trường cơ sở, trong khi việc có thể kiếm tiền cho dù thị trường tăng hay giảm lại tạo ra sức hút cho phái sinh. Tuy nhiên, chưa có thị trường nào “dễ ăn”, nghĩa là rủi ro thấp mà đi kèm với lợi nhuận cao. Việc NĐT có thể tiến hành mở vị thế bán (short) từ khi VN Index ở các mốc hơn 1.000 điểm cách đây nhiều ngày tất nhiên cho cơ hội có được lợi nhuận. Nhưng cũng phải nói thêm, short ở thời điểm VN Index hơn 1.000 điểm, nhưng thời gian đóng vị thế trở lại cũng rất quan trọng.

Chẳng hạn, để tối ưu hóa lợi nhuận thì bán ở mức giá cao, nhưng phải mua lại (cover) ở mức giá thấp, nhưng nếu mua lại sớm quá chưa chắc đã có lãi. Vả lại, thời điểm VN Index hơn 1.000 điểm, không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để đánh cược vào kịch bản thị trường sụt giảm và tìm kiếm cơ hội. Nói vậy để thấy đây cũng là đặc trưng của thị trường phái sinh, nhìn ở ngoài có vẻ dễ, nhưng hành động thành công lại chưa bao giờ đơn giản, vì ngoài việc nhìn ra xu hướng chung, tính thời điểm là rất quan trọng. Nó cũng giống như việc nhìn ra cổ phiếu (CP) tốt, nhưng phải chọn được thời điểm mua tốt nhất.

Rủi ro kế tiếp phải nhấn mạnh là tâm lý “gỡ gạc” mang từ thị trường cơ sở sang với thị trường phái sinh. Một chuyên gia chứng khoán kỳ cựu chia sẻ kinh nghiệm khi trải qua những giao dịch không thuận lợi, anh thường chọn cách tạm nghỉ một thời gian để trấn tĩnh, ổn định tâm lý, củng cố lại các chiến thuật giao dịch. Các sai lầm có thể xuất hiện khi NĐT bị tâm lý thua lỗ đè nặng và từ đó sẽ không xem việc giao dịch là đầu tư mà chuyển qua những chiến thuật có độ rủi ro quá cao.

“Bẫy” lớn nhất ở thị trường phái sinh chính là tỷ lệ margin cao hơn so với chứng khoán cơ sở. Điều này có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn, nhưng đồng thời tỷ lệ thua lỗ cũng cao. Trong thực tế, vì tỷ lệ margin cao nhưng diễn biến thị trường khó lường có thể khiến NĐT lãi thì cũng ở mức vừa phải, nhưng nguy cơ thua lỗ lại rất cao, vì sự thiếu thận trọng của mình. Tâm lý “dễ ăn” và có thể là có lợi nhuận trong một vài lần đầu khiến NĐT bắt đầu chủ quan và vi phạm kỷ luật giao dịch do chính mình tạo ra.

Một rủi ro nữa là việc NĐT dù giao dịch ở thị trường cơ sở, tức là mua CP nhưng vẫn nhìn theo kiểu… phái sinh. Nghĩa là có những CP giảm sàn, NĐT mua vào và cứ nghĩ rằng mình sẽ có lãi, nhưng khác với phái sinh, nếu mở vị thế mua (long) giá thấp, có thể bán nếu có ngay giá cao. Mua CP ở giá sàn trong phiên, nhưng đôi khi tới phiên tiếp theo lại tiếp tục… sàn, thì sẽ rất rủi ro, vì phải đến ngày T+2,5 (chiều ngày T+2) mới có thể bán.

Nói tóm lại, việc NĐT tiếp tục tìm kiếm cơ hội cho dù thị trường có nhiều thách thức vẫn là phù hợp, nhưng cần tránh những tâm lý gỡ gạc, tất tay vì chưa bao giờ giao dịch với tâm lý này đem lại hiệu quả.