NGHỆ SĨ OPERA ÐÀO TỐ LOAN:

"OPERA MÀ CHỈ CHÚ TRỌNG KỸ THUẬT THÌ HÁT SAO ĐƯỢC"

Ðào Tố Loan hiện được coi như vedette của opera Việt Nam. Những chương trình cần giọng ca opera, những vai diễn lớn đều thấy tên chị. Gặp Loan thời gian này rất khó bởi chị đang dồn hết sức lực cho “Công nữ Anio” - một vở diễn sắp ra mắt mà chị thừa nhận “áp lực tới mức stress”. Giữa những cuộc tập luyện, Ðào Tố Loan vô cùng hào hứng khi nhắc tới việc mở rộng công chúng cho dòng nhạc bác học này.
0:00 / 0:00
0:00
"OPERA MÀ CHỈ CHÚ TRỌNG KỸ THUẬT THÌ HÁT SAO ĐƯỢC"

Mong khán giả gần gũi với opera nhiều hơn

Có một dạo thấy Khúc hát búp bê (Les oiseaux dans la charmille - Jacques Offenbach) do chị thể hiện lan truyền trên mạng. Do tình cờ hay chịcũng muốn thử xem mình có thể tạo tiếng vang từ những tiết mục ấy không?

Thật ra tôi còn không biết ai đăng tải lên mạng nhưng tôi nghĩ, opera nên có những video clip như thế. Số đông khán giả vốn không dễ dàng tiếp cận được với loại hình này, những clip như thế có thể giúp họ, dù chưa hiểu ngôn ngữ nhưng vẫn nắm bắt được tinh thần bài hát, thông qua cách trình diễn của nghệ sĩ. Tôi luôn mong mình sẽ còn sáng tạo như thế và hơn thế nữa, làm sao để opera đừng nặng nề, đừng quá cao sang, bác học tới mức không thể hiểu được. Khán giả Việt Nam từ xưa đến nay vẫn quan niệm opera là đóng khung trong lồng kính, chỉ thích hợp để ngắm thôi. Nên tôi mong muốn họ cảm được, chạm được vào dòng âm nhạc tuyệt vời đó.

Rõ ràng những clip như thế tạo hiệu ứng khá tốt, chị có cho rằng nhạc cổ điển, hay cụ thể là operanên sử dụng cáchđó để đến gần với đại chúng, trong thời buổi nghe và nhìn được tính theo độ dài clip Tiktok?

Tôi nghĩ nên chứ, chắc chắn rất nên. Thời buổi sắp 5.0 rồi mà nhỉ, mạng xã hội và truyền thông rất quan trọng. Chắc chắn mạng xã hội là con đường nhanh nhất để lan tỏa tới khán giả. Trong tương lai tôi sẽ đi nhiều hơn trên con đường này, để khán giả cảm nhận và gần gũi với opera nhiều hơn. Tôi đề cao con đường truyền thông opera như thế.

Là nghệ sĩ gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế, nhưng chị có vẻ ít xuất hiện trong các gameshow. Có bao giờ chị nghĩ tới việc sẽ tham gia gameshow để tăng độ nhận diện của mình không?

Tôi cũng từng nhận được nhiều lời mời, tiếc là toàn vào dịp quá bận nên không tham gia được. Chương trình Ca sĩ mặt nạ (The Masked Singer) từng mời tôi từ mùa đầu, ngay từ khi lên format chương trình. Lúc đó tôi đã từ chối vì bận nhưng họ cố chờ, cuối cùng thì vẫn không thể sắp xếp được chứ tôi cũng muốn tham gia lắm đấy.

Hát opera đâu chỉ cần kỹ thuật

Đã bao giờ chị biểu diễn mà khán giả ở dưới thờ ơ hoặc không hiểu chưa? Cảm giác lúc đó như thế nào?

Tôi thường biểu diễn ở Nhà hát Lớn, công chúng vốn đã có sự chọn lọc rồi. Nhưng khi mình hát trong đám cưới, nơi có nhiều lớp khán giả, chuyện người ta thờ ơ với phần biểu diễn của mình cũng từng xảy ra. Nhưng tôi nghĩ đơn giản, vì opera chưa phổ cập ở Việt Nam nên họ chưa hiểu hết cái hay cái đẹp của tác phẩm thôi, cảm được rồi thì chắc chắn họ sẽ thích.

Với nghệ thuật biểu diễn,dư luận hay nảy sinh tranh cãi về vai trò của kỹ thuật và cảm xúc trong trình diễn. Kiểu như kỹ thuật cao thì thường thiếu cảm xúc hoặc không kỹ thuật nhưng giàu cảm xúc, chị nghĩ yếu tố nào quan trọng hơn?

Tôi luôn đề cao cảm xúc khi biểu diễn. Người nghệ sĩ khi thể hiện cảm xúc đến độ chín thì chắc chắn trong đó đã dụng đến kỹ thuật rồi. Khi học ở nước ngoài, với từng tác phẩm cụ thể, giảng viên không dạy hát kỹ thuật thế nào mà dạy hát theo yêu cầu nhân vật, theo bản nhạc, giải thích cho mình với vai diễn này cần phải làm gì. Ở Việt Nam, vẫn còn những quan niệm sai lầm, rằng hát opera là chỉ đòi hỏi kỹ thuật. Nghe thế tôi cũng buồn! Thực tế, người nghệ sĩ biểu diễn chỉ trông vào kỹ thuật mà không biết cách linh hoạt, không có “máu nghề” trong người thì làm sao hát được. Ngoài opera, tôi cũng từng hát nhiều dòng nhạc khác như dân ca, nhạc bán cổ điển, và cả nhạc trẻ đương đại. Tôi tự thấy may mắn và hạnh phúc vì có được một lượng khán giả trung thành, hiểu mình và khả năng của mình. Cũng có người nghĩ tôi chỉ đóng khung với opera, tôi cũng không biết nói sao. Thôi thì cứ hát bằng cả con tim mình trước đã.

Cũng khó trách khán giả, vì người ta thường chỉ biết đến chị qua opera hoặc các tác phẩm bán cổ điển (semi-classic)?

Tôi biết, đó là hạn chế của mình. Nhưng thật ra học opera đòi hỏi mình phải hy sinh nhiều lắm. Tham gia sự kiện chỉ cần biểu diễn một hai bài là xong. Thể hiện một ca khúc Việt có khi chỉ cần vỡ bài trong một ngày. Nhưng với mỗi vở opera, tôi phải mất cả năm để vỡ bài, ghép bài. Với một aria khó, tôi phải dành ra từ một tuần tới cả tháng. Phải đầu tư rất nhiều thời gian cho opera, ngoài tập hát còn phải đi học, rồi nghiên cứu nhân vật, rồi học ngoại ngữ để hiểu ý nghĩa tác phẩm. Như vở “Công nữ Anio”, tôi phải tập luyện tới mức stress luôn, vô cùng áp lực. Trong thời gian tới, tôi sẽ thể hiện mình nhiều hơn, để khán giả có thể chứng kiến và cảm nhận một Đào Tố Loan đa năng và đa sắc màu hơn.

Chị từng chia sẻ mong muốn khán giả sẽ cho mình cơ hội mang opera tiệm cận số đông. Cụ thể, chị cần cơ hội như thế nàovà nếu có, chị sẽ làm gì?

Với mong ước này, tôi cần có thêm nhiều thời gian hơn. Tôi dự định năm tới sẽ làm một chương trình đưa opera tới gần khán giả, nói đúng hơn là đưa Đào Tố Loan tới gần họ hơn. Sẽ có một Đào Tố Loan đa dạng, nhiều màu sắc nhất trong khả năng có thể. Tôi không thử những thứ biết chắc mình làm không tốt vì đó là mạo hiểm. Chỉ điều gì khiến bản thân tự tin thì tôi mới thực hiện.

Nghệ sĩ Ðào Tố Loan sinh năm 1986, hiện công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Cô từng đảm nhận vai chính trong nhiều vở nhạc kịch Việt Nam như Cô Sao, Lá đỏ, Người tạc tượng, Bài ca tình yêu... và nước ngoài như Nữ hoàng Bóng đêm, Don Giovanni, Những người khốn khổ... Sở hữu giọng soprano (nữ cao) âm vực rộng hiếm có, Ðào Tố Loan từng giành nhiều giải thưởng chuyên môn uy tín trong nước và quốc tế.

Hiện Ðào Tố Loan đang tham gia dự án Công nữ Anio - vở diễn chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản và Việt Nam. Nội dung vở opera dựa trên câu chuyện tình yêu có thật tại Hội An giữa Công nữ Ngọc Hoa (Anio) và Arikia Sotaro - một thương nhân Nhật Bản đầu thế kỷ 17.

Lâu lắm mới có cơ hội quý giá như “Công nữ Anio”

Trong buổi hòa nhạc giao hưởng Tháng Tám, chịcó dịp biểu diễncùng giọng tenor Oliver Johnston và giọng soprano Corinne Winters - những đồng nghiệp nước ngoài may mắn có vở diễn quanh năm, thứ mà tại Việt Nam còn rất hạn chế. Thực tế ấy có bao giờ khiến chị cảm thấy chạnh lòng?

Nói thật, nếu để so sánh về kỹ thuật thì tôi không sợ đâu, mình có cái tự tin của mình. Nhưng kiến thức, kinh nghiệm biểu diễn thì chắc chắn mình không bằng họ. Tôi tu luyện nước ngoài dài nhất chỉ một năm, làm sao bằng họ đã tiếp xúc opera từ khi còn bé. Họ được diễn liên tục, còn mình cả năm chỉ được diễn 1-2 vở, có năm còn chẳng có vở nào. Tôi khẳng định Việt Nam có nhiều giọng hát đẹp sánh vai được với thế giới, mình chỉ hạn hẹp về điều kiện biểu diễn thôi. Nhưng chắc phải rất nhiều năm nữa, chúng ta mới có thể rút ngắn khoảng cách này.

Tôi nhớ chị từng có lần chia sẻ rằng bạn có lượng khán giả yêu quý và thu nhập cũng tương đối ổn.“Ổn” ở đây có thể hiểu theo nghĩa nghệ sĩ nhạc cổ điển vẫn sống tốt?

Ổn là với cá nhân tôi thôi. Tôi chưa giàu, tôi thấy mình đủ để ổn định. May mắn là khán giả còn biết đến và yêu thương tôi, nên còn có lời mời đi biểu diễn. Chứ nhiều đồng nghiệp trong đoàn hát của tôi, họ hát rất hay trong đội hợp xướng nhưng chưa có cái duyên, chưa có cơ hội để tiếp cận gần hơn với khán giả nên cuộc sống rất khó khăn. Cũng là người theo đuổi dòng nhạc cổ điển, tôi rất đồng cảm.

Tính đến nay, chị đã đượcgóp mặt trong bao nhiêu vở diễn hoàn chỉnh?

Tầm một chục vở, chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay. Còn chủ yếu là hát aria, diễn các trích đoạn.

Vậy “Công nữ Anio” chắc hẳn là một cơ hội hiếm có?

Quá hiếm, tôi thấy mình vô cùng may mắn khi nhiều năm nữa chưa chắc đã có dự án lớn như thế này. Đây là tác phẩm mà tôi theo đuổi đã hai năm và khiến tôi cực kỳ áp lực. Nhân vật này không những hát khó, diễn xuất khó mà còn phải thổi sáo, phải thuần thục nhiều thứ nên đòi hỏi tôi phải luyện tập rất nhiều. Đợt này tôi hoàn toàn dừng nhận show để chú tâm tập luyện. “Dính” vào opera là phải hy sinh rất nhiều, tôi luôn tâm niệm thế.

Chị có kỳ vọng đây là vai diễn để đời, gắn liền với tên tuổi của mình không?

Tôi không dám nói trước điều gì, nhưng mong muốn và ước mơ thì không có giới hạn. Tôi đang rất cố gắng, dù thời tiết thay đổi, dù đang tập luyện căng thẳng mà lăn ra ốm, mũi xoang rồi ho sù sụ. Tôi không dám nói mình sẽ thành công, nhưng tôi mong lắm.