Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng

Nội tâm lộng lẫy

Hùng nhỏ thó, lọt thỏm bên những bức tranh khổ lớn, chỉnh trang sắp đặt, chốc chốc lại đứng cách xa lặng ngắm thành quả của mình đang được trang hoàng chuẩn bị cho giờ phút khai mạc triển lãm. Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây, thật khẽ khàng, nín lặng, thả lỏng tâm trí giữa những tác phẩm của Hùng, nghe chúng lao xao, để cảm giác được tiếng rì rầm của vạn vật, tiếng trở mình của cỏ cây hoa lá và cả tiếng sẽ sàng của những bước chân thiếu nữ đương tuổi mộng mơ tròn đầy...
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung họa sĩ Nguyễn Thế Hùng của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường
Ký họa chân dung họa sĩ Nguyễn Thế Hùng của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường

1. Tóc ngắn, mắt sáng, mặt ngầu ngầu, chỉ khi cười lại thấy hiền khô, Hùng có vẻ bề ngoài chẳng mấy liên tưởng tới một nghệ sĩ. Hoặc anh cũng coi công việc của mình là một lao động nghiêm ngắn, chứ không hẳn ngẫu hứng phù phiếm như người đời thường mường tượng. Sáng dậy sớm đưa con đi học, qua sông tới xưởng, cả ngày miệt mài làm việc, chiều tối lại về nhà, Hùng mẫn cán như một công chức viên chức quẹt thẻ. Đặt xưởng vẽ ở Ngọc Thụy, (mà không hiểu duyên lành gì các nghệ sĩ cứ theo nhau về những cái xóm ven sông dựng cơ ngơi để đeo đuổi nghệ thuật), hai năm lao động cật lực để tiếp tục trình diện một Nguyễn Thế Hùng sung sức và giàu biểu cảm... Quãng thời gian chưa hẳn là dài kể từ ngày tốt nghiệp Đại học mỹ thuật Hà Nội năm 2009, Hùng đã có một hành trình thức tỉnh và biến đổi chính mình ngập tràn sảng khoái...

Sinh ra và lớn lên tại Tuyên Quang trong một gia đình không dính líu tới nghệ thuật, cậu bé con giống nhiều đứa trẻ thời nào cũng có, được (bị) bố mẹ “tống” đến lớp học vẽ cho đỡ mải chơi. Học chơi mà rồi thích thật, hết phổ thông, thi đỗ vào Trường cao đẳng Việt Bắc ở Thái Nguyên, sau bốn năm, những tưởng sẽ an lòng kiếm một suất biên chế, trở thành thầy giáo dạy mỹ thuật cho học sinh phổ thông. Nhưng rồi, đam mê cục cựa trong người, nội tâm không an vị, Hùng cưỡng lại sự sắp đặt của gia đình, về Hà Nội thuê nhà tìm thầy luyện thi với cái đích đến là Trường Yết Kiêu nhiều mê đắm.

Kiên trì và kiên trì, đúng “truyền thống” mỹ thuật, 4, 5 lần thi mới đỗ, Hùng trở thành sinh viên một lần nữa khi đã dư dả trải nghiệm cuộc sống. Ngay lúc đi học, có cơ hội giao du tiếp cận với các nghệ sĩ đàn anh, những người được coi là tiên phong của mỹ thuật đương đại, kiểu như anh Đức nhà sàn, lui tới cái chốn đã tụ bạ hấp dẫn được rất nhiều các nghệ sĩ trẻ - những người đang khát khao kiếm tìm cả tiền bạc và danh tiếng - nghe cách người ta nói, nhìn cách người ta làm, Nguyễn Thế Hùng tự tin xác định con đường của mình và điềm tĩnh trên con đường đó, không sốt ruột, cũng không hấp tấp vội vàng. Tiếc là thời điểm này, không còn mấy những “tụ điểm” thực hành nghệ thuật đương đại ít tính thực dụng mà giàu có tinh thần vui chơi đỡ đầu cho các nghệ sĩ trẻ làm nơi lui tới.

Sẵn lợi thế trẻ và mộng mơ, và thỏa thuê thời gian phía trước để chơi và thử nghiệm, mày mò từ giấy gió, mực nho mài, bột màu, màu nước... đến sơn mài trên toan, mà làm gì cũng được đón nhận, chỉ riêng Hùng là chưa thấy đã đời, thỏa mãn. Ý đồ và thực hành của Nguyễn Thế Hùng khiến cho tác phẩm của anh đương đại hơn, trẻ hơn và gần với số đông hơn hẳn. Không phải tuýp hoạt ngôn nên ít nói, càng ít nói về mình, Hùng có sự ngạo nghễ của người dám cất lời kêu gọi: “Tôi ở đây”, để thu hút sự chú ý vào tác phẩm của mình, cho tác phẩm của mình lên tiếng.

2. Trưởng thành sớm, tên tuổi được biết đến từ sớm, thời sinh viên, Nguyễn Thế Hùng đã có nhiều tranh được chọn tham gia nhiều triển lãm nhóm. Có triển lãm cá nhân đầu tiên khi nhiều bạn bè cùng lứa cùng thời còn đang loay hoay tìm lối, Hùng đã tinh khôn khi không để cho sự phóng túng nghệ sĩ và bản năng dẫn dắt, anh luôn tỉnh táo và kỹ lưỡng với mỗi bước đi. Kỹ để không vướng vào những thói quen dễ dãi, Hùng “chà xát”, phủ lên bề mặt hàng lớp hàng lớp màu và kỳ công như sơn mài cũng vẫn tỉ mỉ vẽ đi vẽ lại, đè lên từng lớp từng lớp cho thật ưng ý mới thôi.

Hiệu ứng của sự chỉn chu cầu toàn, tranh Nguyễn Thế Hùng luôn có sự chuyển động trên bề mặt, tạo nên không gian nhiều chiều, đa diện, mặc sức cho trí tưởng tượng bay bổng... Hơn 20 tác phẩm trưng bày trong triển lãm Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây, do Hanoi Studio Gallery tổ chức đang diễn ra tại Không gian nghệ thuật Ánh Dương (sân golf Long Biên) đều là nguyên cớ giúp người thưởng ngoạn miên man suy tưởng và cảm nhận hội họa theo đúng cái tôi không đụng hàng, va chạm.

Sinh năm 1981, bước vào tuổi 40 Nguyễn Thế Hùng đã có một gia tài nghệ thuật nên tấm nên món. “Gia tài” không chỉ nằm ở những triển lãm đã qua đi, những tác phẩm có trong các bộ sưu tập ở nhiều nơi cả trong và ngoài nước, mà trước hết anh đã tô vẽ được thế giới của riêng mình, thỏa thuê vẫy vùng trong đó. Hùng tinh tế trong quan sát và trải nghiệm cuộc sống, luôn biết thu nhận những khuôn hình, những chi tiết của đời sống và biến chúng thành những lớp mờ ảo trong tranh của mình.

Nếu soi rọi dưới những chiếc máy chụp cắt lớp công nghệ tối tân, từng mảng màu cuộc sống sẽ được bóc tách ngồn ngộn trong những tác phẩm của Nguyễn Thế Hùng. Chất liệu nào rồi cũng chỉ là lớp vỏ bề ngoài, dẫu có được sơn son thếp vàng thì cũng là nơi ẩn náu nội dung, một hình thức trú ngụ của tâm hồn. Tâm hồn đẹp, nội tâm đẹp của Nguyễn Thế Hùng được neo đậu ở những “Vùng đất khác”, ở “Trong vườn”, ở những khúc lãng đãng “Và hoa đã mưa xuống”... Lựa chọn của Hùng khiến anh nằm trong số những tên tuổi thu nhận được nhiều thành công ở lứa 8X vốn đang đương sức.

Nếu nghệ thuật là một con đường thì quá trình thực hành nghệ thuật mới đem lại khoái cảm, mới làm nên hạnh phúc của các nghệ sĩ dấn thân chứ không hẳn đích đến. Hùng “mán”, như cách bạn bè vẫn thường gọi, dường như đã luôn phủ phê đắm say trong hành trình độc đạo ấy với một thế giới nội tâm thinh lặng, kiệm lời, lộng lẫy và mang đến một hiệu quả ra ngoài mong đợi.

Nội tâm lộng lẫy ảnh 1

Tác phẩm Hoa Đốm Trên Không 01, sơn mài trên toan, 2023.