Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo "thẻ vàng" khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, và đưa ra chín nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU. Ảnh Quốc Trinh
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU. Ảnh Quốc Trinh

Đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn bốn khuyến nghị, gồm: khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật.

Đến nay, tròn 5 năm Việt Nam thực hiện các giải pháp khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của EC. Sự nỗ lực, triển khai các biện pháp cải thiện theo khuyến nghị đã được phía EC ghi nhận. Tuy vậy, trong bốn khuyến nghị của EC về chống IUU, Việt Nam hiện mới làm tương đối tốt ở khâu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý. Các khâu khác đạt hiệu quả chưa cao.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến giữa tháng 9/2022, Việt Nam vẫn còn 62 vụ, 88 tàu, 704 ngư dân vi phạm quy định trên. Số tàu vi phạm còn lớn, trong khi đây là điều kiện tiên quyết để EC xem xét có gỡ thẻ hay không. Ngoài ra, công tác kiểm soát sản lượng, truy xuất nguồn gốc cá mới đạt 20-30%, nhật ký khai thác mới đạt được 45% so với yêu cầu.

"Thẻ vàng" của EC đã ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản Việt Nam, xét cả trực tiếp, lẫn gián tiếp. Xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) từ 1-1,4 tỷ USD/năm, chiếm 15-17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đi các thị trường. Năm 2022, ước tính xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ đạt hơn 1,4 tỷ USD, trong đó hải sản khoảng 420 triệu USD, thủy sản nuôi khoảng 980 triệu USD.

Công tác gỡ "thẻ vàng" thủy sản là một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Trong nhiều cuộc họp, quyết định, văn bản chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương phải hoạt động mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm. Khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đánh dấu tàu cá. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, đáp ứng nhiệm vụ chống khai thác IUU. Thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật...

Sau những thiệt thòi kể từ ngày EC đưa ra cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản khai khác, cũng cần phân tích những tình huống có thể xảy ra, thậm chí là phân tích cả nguy cơ "thẻ đỏ" để thấy rằng, quyết tâm gỡ thẻ là vô cùng quan trọng; và hơn hết phải được cụ thể hóa bằng những chương trình hành động thiết thực, có hiệu lực, hiệu quả cao.

Theo quy định của EC, trường hợp bị áp dụng "thẻ đỏ", sản phẩm từ thủy sản khai thác của quốc gia đó sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Đáng lo ngại nữa, do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của nước bị áp "thẻ đỏ". Một ước tính sơ bộ, giả sử trường hợp bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ", mỗi năm, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 350-400 triệu USD nếu mất thị trường EU.

Chính vì vậy, bên cạnh những công việc thuộc về Nhà nước, rất cần sự chấp hành, tuân thủ nghiêm các quy định của cộng đồng ngư dân khi khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển. Điều này không chỉ phát triển bền vững ngành thủy sản, mà còn vì công cuộc mưu sinh bền vững của chính bà con ngư dân.