PGS, TS Nguyễn Thường Lạng
Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân
Hiện nay, sứ mệnh của cơ quan quản lý nhà nước là vai trò thủ lĩnh tiên phong, lập ra lộ trình và để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển. Ngoài ra, để tạo lòng tin, sự ủng hộ lâu dài của các doanh nghiệp trong nước, cơ quan quản lý có thể đề xuất cơ chế thử nghiệm khuyến khích đầu tư dựa trên tham chiếu, học hỏi kinh nghiệm từ một số thị trường khác.
Cơ quan quản lý nhà nước gánh vác nhiệm vụ đi đầu, nhưng sẽ không phải đi một mình, cả thị trường chứng khoán không ai đi một mình, mà tất cả chúng ta đều phải đồng hành tiến bước, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất.
Ông Trần Minh Hoàng
Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
Kết quả khảo sát từ Vietnam Report cho thấy, các doanh nghiệp rất quan tâm đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Gần một phần ba số doanh nghiệp được hỏi tin tưởng vào kịch bản nâng hạng vào nửa đầu năm 2025. Có 44,4% tin tưởng, trong nửa cuối năm 2025 sẽ ghi nhận sự trưởng thành của thị trường chứng khoán Việt Nam, sau khi các nút thắt tồn tại trên thị trường được sớm cởi bỏ trong những tháng còn lại của năm 2024.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Ông Ðặng Thành Tâm
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Ðô thị Kinh Bắc
Dù nằm trong tầm ảnh hưởng của vòng xoáy cạnh tranh kinh tế khốc liệt, song Việt Nam có "lối thoát" riêng do đang ở trong trục hưởng lợi nhờ làn sóng nhiều nhà đầu tư đang chuyển dịch xu hướng đầu tư về Việt Nam.
Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng môi trường kinh doanh quốc tế. Chất lượng nhà đầu tư cũng sẽ được nâng cao nhờ sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn. Đi kèm đó là áp lực buộc phải nâng cao chất lượng các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài theo chuẩn mực quốc tế.
Ông Dominic Scriven
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam
Thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn huyết mạch thông suốt giữa tài chính và doanh nghiệp. Ngoài chức năng cung cấp vốn, thị trường chứng khoán còn là nơi đánh giá chất lượng doanh nghiệp, chất lượng của hoạt động kinh doanh thương mại bằng cách điều chỉnh giá trị vốn, đồng hành cùng các doanh nghiệp có tài chính minh bạch, có xác nhận lãi suất phi rủi ro là chìa khóa của giá trị vốn dài hạn của Việt Nam.
Do đó, Việt Nam phải không ngừng phát triển hạ tầng, nền tảng, hệ sinh thái của thị trường vốn, đặc biệt là mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư có tổ chức. Đồng thời, không ngừng củng cố niềm tin trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư. Nhân lúc tất cả các chủ thể trên thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng, Việt Nam cần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển trung tâm tài chính bởi hiện là "cơ hội vàng" đối với Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương - TCBS
Thời gian qua, thị trường chứng kiến nhiều phiên giao dịch tỷ USD với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư thuộc thế hệ trẻ, trong đó có cả thế hệ Gen Z. Với số lượng mở tài khoản mới ở TCBS trong nửa đầu năm 2024 có đến 56% là nhà đầu tư dưới 30 tuổi. Nhà đầu tư trẻ mạnh dạn đầu tư, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng thử sức với công nghệ mới.
Với những thay đổi, chỉnh sửa mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang thực hiện, sẽ tạo ra khung pháp lý tương đối mở cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Tôi tin rằng khung pháp lý mới sẽ đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức xếp hạng quốc tế. Tuy nhiên, bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có thêm lòng tin và trách nhiệm tuân thủ khi thị trường bước vào giai đoạn phát triển mới.