Những ý nghĩ trong tôi là... Con người... mạnh cỡ nào?

Bạn rơi xuống Trái đất này từ đâu? Từ cái bụng của một bà mẹ, chắc chắn rồi! Vậy thì từ ngày rời khỏi một cái bụng, bạn đã giao cuộc đời mình cho ai? Tại sao phải giao đời mình cho ai nhỉ? Đời tôi là của tôi. Tôi có toàn quyền với nó, có đủ năng lực quản trị nó trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhiều người hẳn sẽ phản ứng ngay như vậy. Nhưng có thật con người lúc nào cũng đủ sự mạnh mẽ để quản trị cuộc đời của chính mình hay không?

Minh họa: Lê Trí Dũng
Minh họa: Lê Trí Dũng

Hãy bắt đầu từ một câu chuyện đơn giản nhất: Bạn đi uống cà-phê, chụp một bức ảnh. Hẳn nhiên, sẽ có người chụp rồi quên, lại có người cất đi làm kỷ niệm, nhưng trong cái thời 4.0 này rất nhiều người sẽ nghĩ ngay tới việc... tung bức ảnh đó lên Facebook. Nhưng từ từ đã, câu chuyện không đơn giản như vậy. Rất nhiều người trong số những người này sẽ không vội tung lên Facebook ngay, mà sẽ đưa bức ảnh vào một phần mềm chỉnh sửa, sẽ làm thế nào đó để bức ảnh sáng lên, cái mặt mình trắng lên, đẹp lên.

Và phải xong xuôi tất cả những công đoạn đó họ mới yên tâm “cúng phây”. Có người thi thoảng “cúng”, lại có người “cúng” liên tiếp, liên hồi, vô tội vạ. Có những người “nghiện” đến mức mất ăn, mất ngủ, mất luôn năng lực giao tiếp ngoài đời, khiến những người sống chung vô cùng khó chịu. Những lớp cai “nghiện” mạng xã hội được mở ra, không chỉ cho trẻ con, mà còn cho người lớn, nhưng nhiều người cai rồi vẫn “tái nghiện”.

Là bởi vì cái mạng ảo kia đã gọi ra một mong muốn thẳm sâu bên trong họ: mong muốn được kiến tạo một cuộc đời hoàn hảo, khác hẳn với cuộc đời mình đang sống mỗi ngày. Cái mạng ảo kia đã thả họ vào một hệ sinh thái mà ở đó họ có thể nói năng, phán xét, tụng ca, chỉ trích vô tội vạ - điều mà trong đời thực, vì nhiều lý do khác nhau họ không/hoặc chưa dám làm.

Một ngày tháng 10 năm 2021, một lỗi kỹ thuật khiến Facebook “chết lâm sàng” 6 tiếng! “6 tiếng ấy vũ trụ với tôi như sụp đổ”-một Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến đầu những năm 2000) thốt lên trên một tờ báo Việt Nam. Không đến mức cảm thấy “vũ trụ sụp đổ” như nhiều Gen Z, nhưng chắc chắn không ít người trưởng thành cũng thấy thiếu, thấy vắng, thấy buồn, thấy chán, thấy khó chịu, ngứa ngáy chân tay. Họ hãi hùng tưởng tượng ra cảnh một ngày Facebook chết thật sự, chết mãi mãi. Lúc ấy, cuộc đời thứ hai/cuộc đời mơ ước/cuộc đời mà họ dày công tô vẽ mỗi ngày cũng sẽ bị chôn vùi.

Mới chỉ đối diện với một cái màn hình và chỉ là câu chuyện của một cái mạng ảo thôi, vậy mà năng lực làm chủ bản thân, năng lực vượt thoát khỏi các cám dỗ đã phải đối diện với một sự rung lắc to đùng.

Bây giờ sẽ không phải là thử thách Facebook nữa, mà là một thử thách ghê gớm hơn nhiều: Đại dịch Covid-19! Nào, hãy nhớ lại xem bạn đã sống sót như thế nào trong suốt 3 năm dịch dã? Một người bạn tôi kể lại, anh sống ở một thành phố lớn trong những ngày cái thành phố ấy “đóng băng”. Nhưng có một thứ “không đóng băng”, đó là âm thanh của tiếng xe cấp cứu. Bạn kể, từ tầng 6 của tòa chung cư, cứ mỗi khi nghe những âm thanh ấy réo lên là lại một phen... rùng mình.

Mà hỡi ôi, lúc đầu nó réo thi thoảng, chứ sau cứ réo ngày một nhiều/một nhanh/một gấp. Bây giờ đại dịch đã qua, thành phố đã trở lại bình thường, những âm thanh ấy không còn réo liên hồi nữa. Nhưng bất thình lình, nó - chính những âm thanh ấy vẫn vang lên theo một cách nào đó trong não anh bạn đáng thương. Nó vang lên khi anh đang ngủ trên giường, đang trong nhà tắm, đang ngồi làm việc trước màn hình. Nó khiến anh đau đầu, quay cuồng, sợ hãi.

Bác sĩ tâm lý kết luận: Anh bị rối loạn âm thanh, chấn động tâm thần. Theo lời bác sĩ thì, rất nhiều người ở thành phố này cũng đang phải đối diện với những vấn đề tâm thần hậu Covid y như thế.

Xin nhấn mạnh: Anh bạn tôi vốn không phải người yếu đuối. Trái lại, là mẫu người triết lý, mạnh mẽ, tự tin, thậm chí còn là một chuyên gia “mách nước” cho bạn bè. Ấy thế mà những chấn động hậu Covid gần như đánh sập anh. “Con người yếu đuối, mong manh, nhỏ bé hơn nhiều so với những gì mình vẫn tưởng”-anh tâm sự.

Rồi anh hỏi: Con người có cần bám víu, nương tựa vào đâu đó để thoát khỏi những lúc khó khăn này?

Hàng nghìn năm Trung Cổ phong kiến, con người luôn bám víu/nương tựa vào các Đại tự sự. Tín đồ Kito giáo nương tựa vào Chúa, sống theo ý Chúa, có niềm tin mãnh liệt rằng trong những lúc gian khó nhất Chúa sẽ cứu mình. Người theo Khổng giáo lại tin vào những triết thuyết do Khổng Tử xác lập, và khi phải chọn lựa giữa một bên là sống để phản bội triết thuyết và một bên là chết để bảo vệ triết thuyết, họ không ngại chọn cách thứ hai. Kitô giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Hồi giáo, Do thái giáo... chính là những câu chuyện lớn/những đại tự sự mà con người Trung Cổ nương nhờ. Nhà cổ sử Harari cho rằng thế giới khi đó được dệt nên bởi một mạng lưới dày đặc các đại tự sự như vậy.

Nhưng rồi một ngày “Chúa đã chết” - câu nói nổi tiếng của Nietzsche điển hình cho phong trào phá vỡ các đại tự sự. Con người không muốn giao mình cho các đại tự sự và chịu đựng những nguyên lý hà khắc mà nhiều đại tự sự đặt ra. Những tiểu tự sự lên ngôi, mỗi người phải là một người thầy của chính mình và mỗi người phải tự sống, tự đối diện, tự giải quyết những bài toán của mình. Sự phát triển của khoa học, sự khai sáng của các cuộc cách mạng công nghiệp khiến người ta tin rằng con người có đủ năng lực ấy, sức mạnh ấy, trí khôn ấy. Con người là trung tâm của vũ trụ, của trái đất, của chính mình.

Nhưng thật sự con người có kỳ diệu, kỳ vĩ đến vậy không? Sẽ có rất nhiều cách trả lời và cả những tranh luận khác nhau. Nhưng chắc chắn, sẽ không có phương án trả lời tuyệt đối nào, theo bất cứ góc độ nào. Bởi nếu có điều đó thì đã không có những cảm thán về sự bé nhỏ, mong manh, tội nghiệp của con người trong thời kỳ đại dịch đã qua. Nếu có điều đó thì đã không có những than vãn hãi hùng về sự “sụp đổ vũ trụ” chỉ trong 6 giờ Facebook chết lâm sàng.

Vậy thì con người phải làm gì trong những giờ phút khủng hoảng, cô đơn?

Quay trở lại với các đại tự sự là điều không tưởng, bởi nó đi ngược lại xu thế phát triển. Nhưng trong những lúc như thế, tại sao không thể nghĩ đến việc nghiêng mình vào những khía cạnh tích cực nào đó của các đại tự sự nào đó, phù hợp nhất với mình?

Nghiêng vào đó không phải để trông mong một sự giải cứu tức thời, mà chỉ để tìm kiếm một chút an ủi. Mà trong rất nhiều trường hợp, một chút an ủi cũng là vô cùng quý báu. Bởi nó giúp người ta có được sự bình tâm cần thiết trước khi phải tiếp tục gồng mình lên để đối diện với những cám dỗ hoặc những áp lực mà cuộc sống đổ lên mình.