GIẢI vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân luôn phát hiện những tay vợt giỏi sau đó lên tuyển, đặc biệt là rất có duyên phát hiện những "tay chiêu" xuất sắc của bóng bàn Việt Nam: Hoàng Thục Anh, Trần Văn Quỳnh, Nguyễn Thế Ngọc, Vũ Mạnh Cường, Trần Thu Hà, Trần Tuấn Quỳnh, Mai Hoàng Mỹ Trang. Tất cả đều thành danh từ giải đấu mang tính chất bệ phóng này.
Bên cạnh đó, đã có không ít những cặp anh em hay chị em thành danh tại giải đấu này. Nguyễn Thế Hùng-Nguyễn Thế Ngọc, Lý Minh Triết-Lý Minh Tân, Trần Lê Mỹ Linh-Trần Lê Phương Linh, Đoàn Kiến Quốc-Đoàn Trọng Nghĩa, Trần Mai Ngọc-Trần Mai Ngà là tiêu biểu nhất.
Cặp cha con cùng tham dự giải đó là danh thủ Hải Dương Nguyễn Đức Long và con gái Thu Hà. Họ tham gia nội dung đôi nam nữ, Nguyễn Đức Long đánh đơn. Ngoài ra, giới mộ điệu cũng nhắc đến hai vợ chồng đều là tuyển thủ quốc gia bóng bàn, là cặp Hoàng Thế Vinh-Nguyễn Thị Nga.
Những nhà thi đấu "máu lửa" nhất, có thể nhắc đến hai địa phương Hải Phòng và Hải Dương. Khán giả đất Cảng rất cá tính, có năm đông quá ném đá vỡ cả tấm kính lớn bên hông nhà thi đấu, đến mức ông Phó Giám đốc Sở phải cầm loa trấn an bà con bằng lối nói rất tếu, gợi nhớ không khí thời kháng chiến: "Đồng bào chú ý…". Ngay khi Hải Dương chưa xây nhà thi đấu mới, giải diễn ra tại nhà thi đấu bên cạnh sân bóng đá cũng có hiện tượng cửa bị phá vì đông người quá. Giải nào mà nhiều tay vợt Hải Dương xuất hiện là nhà thi đấu không còn một chỗ trống. Người xem rất máu lửa.
Bóng bàn Việt Nam, suốt chặng đường dài hơn bốn thập niên qua, có rất nhiều ngôi sao thành danh. Ở Hà Nội, ta có thể kể tới Bùi Đức Long, Thọ Hanh, Đắc Cử, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Bích Ngọc, Nguyễn Xuân Hiền, Nguyễn Đình Phiên, Triệu Bách Quang, Tô Bỉnh Huy, Dương Quốc Tuân, Nguyễn Trường Huy, Đặng Thành… Nguyễn Thị Mai để lại một chiến tích "oách nhất hội" khi thắng tay vợt Matshuzaki hạng 21 thế giới của Nhật Bản, hạ đậm Trần Việt Hoa 3/1 tại Giải vô địch quốc gia đầu tiên vào năm 1979 tổ chức ở Quy Nhơn (Bình Định) và là nhân vật chính trong cuốn sách "Cô gái bóng bàn" của nhà báo Hồ Xuân Sơn. Sau Mai là Bích Ngọc với một mặt gai khó chịu và một loạt nữ lưu xuất sắc như các nàng Vũ Thị Nga, Ngọc Sương, Đỗ Thúy Nga, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thị Mai tức "Mai trọc"… và bây giờ là Nguyễn Thị Hạnh. Phái mày râu của bóng bàn đất Hà thành, nổi bật lên là Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Đình Phiên, Chu Văn Quế, Nguyễn Trường Huy và Đặng Thành, Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Nam Hải… gần đây nhất là "Tú mẩu" (Nguyễn Anh Tú).
Tại Hải Dương có cả một nhóm ngôi sao, ít mà tinh: Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Đức Long, Vũ Mạnh Cường. Nguyễn Ngọc Phan đã được nói đến quá nhiều. Trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục-Thể dục Thể thao Nguyễn Đức Long, từng vô địch quốc gia, cần mẫn dẫn quân đi chinh chiến xa gần, nay về già lại chế ra máy bắn bóng Made in Vietnam. Vũ Mạnh Cường là tay vợt có bảng thành tích đáng nể nhất. Tất cả đã cống hiến và tạo nên thứ "đặc sản bóng bàn" của Hải Dương.
Trung tâm Thể dục-Thể thao quân đội luôn thuộc vào số ít những "địa chỉ đỏ" của môn bóng bàn. Tại đây có huấn luyện viên Tạ Đình Khoa, từng du học Triều Tiên cùng lứa với các tên tuổi lớn của thể thao Việt Nam như Nguyễn Danh Thái, Nguyễn Trọng Trúc, Lê Ngọc Minh… Các tay vợt của quân đội như Nguyễn Thế Ngọc, Vũ Thị Nô En, Nguyễn Thị Tuyết, Lê Xuân Phong, Lương Thị Tám… đều từng ghi công vào sổ vàng.
Trung tâm Thể dục Thể thao của Tổng cục Đường sắt đáng tự hào với vị sếp Tạ Đình Đề và cây vợt mousse Made in Vietnam khi kết hợp với ông Nguyễn Văn Thy (cà phê Nhân). Đơn vị này còn có tay vợt Đinh Trọng Hùng biệt danh “Hùng ngủ” chơi rất quái, cứ “đủng đỉnh mà ăn tiền”. “Hùng ngủ” từng “ăn cơm tuyển” chinh chiến nhiều phen.
Đất Lạng Sơn rừng xanh núi đỏ cũng có tay vợt cắt bóng Việt Linh rất ấn tượng. Trước Việt Linh, có huấn luyện viên Nguyễn Vinh Hiển, có Hồ Tiều Linh năng nổ từng đoạt huy chương vàng đôi nam nữ khi đánh cùng Mạnh Cường. Trước đó nữa, ký ức của tôi về bóng bàn Công an nhân dân là Lê Ngọc Phương Lan thi đấu mà vẫn đeo đồ trang sức rất điệu đàng, là Huỳnh Trung Hiếu cùng không ít gương mặt khác.
Tỉnh Tiền Giang cũng là một địa chỉ đỏ của bóng bàn Việt Nam. Xa xôi cách trở, nhưng bóng bàn ở đây được xem là hồn nhiên và sạch. Tôi ít khi thấy anh Trần Phát Tài vắng mặt ở các giải đấu lớn. Anh Tài nay đã là Giám đốc Trung tâm Thể dục-Thể thao Tiền Giang, quân của anh là Phạm Thị Thiên Kim và Lý Tiểu Lân, cháu gái tóc ngắn thi đấu bền bỉ nhiều năm có thứ hạng khá.
Cuối cùng là Vĩnh Long. Đến với Vĩnh Long, người ta ưa món cá tai tượng và bưởi năm roi, nhưng không quên nơi này từng có nhà vô địch bóng bàn Nguyễn Minh Hiền. Năm 16 tuổi, Hiền xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh trong bộ trang phục đẹp lạ lẫm và gây sốc tất cả, tuy chú bé thua tay vợt lão luyện Quách Pênh Huy 2-3 (Hiền dẫn trước 2-0) song đã là "cánh chim báo bão" trên bàn bóng. Ít năm sau, anh trở thành nhà vô địch quốc gia sau trận thắng "kỳ lạ" trước Trần Tuấn Anh, làm tay vợt lão làng Vương Ngọc Sơn phải thốt lời khen ngợi. Bây giờ, Minh Hiền đã là Giám đốc Trung tâm Thể dục-Thể thao tỉnh Vĩnh Long, gặp nhau vẫn vui vẻ cùng chú nhà báo ôn lại kỷ niệm xưa cùng chuyên gia Hà Tích Thân. Bên cạnh Hiền là Trần Xuân Thiện và Phạm Hưng Long (cảm ơn anh Nguyễn Tiến Hùng đã nhắc tôi tên chàng trai này, khi xưa tôi đã từng có một bài riêng về Long). Bộ ba Hiền-Thiện-Long từng gây bão tại nhiều giải bóng bàn.
Tất cả những gương mặt ấy, những ký ức ấy, những kỷ niệm một thời sôi nổi ấy, đều gắn bó mật thiết với cái nôi-Giải vô địch bóng bàn quốc gia do Báo Nhân Dân tổ chức.