- Xin ông dự báo về triển vọng phát triển kinh tế xanh của đất nước ta? Và xu hướng chuyển đổi xanh hóa của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?
Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều tác động tiêu cực và phức tạp từ biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh trở thành xu thế có tính tất yếu tại mỗi quốc gia. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam xác định, phát triển kinh tế xanh chính là con đường để thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tôi cho rằng Việt Nam có triển vọng tích cực trong phát triển kinh tế xanh, bởi có sự cam kết mạnh mẽ và định hướng rõ ràng của Đảng, Chính phủ hướng tới thực hiện kinh tế xanh.
Gần đây nhất, ngày 1/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Cùng năm, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ… Những cam kết này một lần nữa khẳng định Đảng, Chính phủ Việt Nam kiên định với định hướng/con đường tăng trưởng xanh.
Một hoạt động giao lưu giữa doanh nghiệp và cơ quan truyền thông trong khuôn khổ chương trình về phát triển bền vững do VBCSD tổ chức thường niên. |
Song hành cùng định hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, Việt Nam tích cực thu hút FDI xanh theo hướng các dự án đầu tư đang dần bảo đảm các tiêu chuẩn để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam. Một số dự án điển hình trong giai đoạn gần đây, có thể kể đến như sau: Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO tại Bình Dương với tổng đầu tư hơn 1 tỷ USD, Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận (Dự án có công suất 3,5 GW, với tổng số vốn đầu tư lên tới 10,5 tỷ USD. Dự kiến khi hoàn thành, có thể cung cấp năng lượng sạch cho hơn 7 triệu gia đình Việt Nam, giảm 130 triệu tấn khí thải CO2, đồng thời đóng góp hơn 4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam); Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bạc Liêu (Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD); Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao T&J tại Bắc Ninh (theo kế hoạch, nhà máy sẽ được thiết kế với công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, hiệu suất phát điện 11,6 MW và có thể tạo ra hơn 91.800 MWh năng lượng sạch mỗi năm)…
Thông qua các hội nghị, hội thảo, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi quá trình tăng trưởng xanh. Tôi lấy thí dụ như trong các thành viên của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), thông điệp tăng trưởng xanh đã được lan tỏa đến tất cả chuỗi giá trị trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp tiêu biểu như Vinamilk, Greenfeed, Traphaco, PAN Group… đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh sạch, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm…
Nền kinh tế được nâng chất từ chính việc có ngày một nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có những nỗ lực rất đáng công nhận và khích lệ trong quá trình chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang mô hình doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp có trách nhiệm, doanh nghiệp bền vững. Chính những yếu tố này là nền tảng cho triển vọng tích cực trong phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.
- Với việc xanh hóa nền kinh tế, dự báo số lượng việc làm xanh có thể chiếm tới 41% tổng số việc làm trên thị trường tương lai. Chúng ta đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi về chất trong nguồn cung nhân lực chưa, thưa ông?
Các mục tiêu phát triển bền vững có thể tạo ra hơn 380 triệu việc làm mới vào năm 2030, chiếm hơn 10% lực lượng lao động, trong đó các mô hình kinh tế tuần hoàn và sáng kiến liên quan đóng góp 166 triệu, tiêu biểu có thể kể đến mô hình tuần hoàn về năng lượng, thiết bị điện tử, tự động hóa, thu hồi và lưu trữ carbon, hạ tầng và đô thị xanh,… (theo Báo cáo Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn do WBCSD thực hiện năm 2017). Còn theo báo cáo "Cuộc săn tìm nhân tài ESG" (The Search for ESG Talent 2022) của ManpowerGroup, trong giai đoạn từ năm 2015-2022, tỷ lệ "nhân lực xanh" tăng từ 9,6% lên 13,3%. Ước tính đến năm 2050, thị trường sẽ có hơn 300 triệu vị trí công việc văn phòng cần "kỹ năng xanh" trên toàn cầu. Triển vọng như vậy, song cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, một trong những vấn đề gặp phải của Việt Nam là nguồn nhân lực hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, trong khi thị trường liên quan đến lĩnh vực xanh đang "nở rộ".
Trước đòi hỏi từ thực tế, những năm gần đây, các tổ chức đào tạo tại Việt Nam khá "thức thời" trong phát triển các chương trình đào tạo mới liên quan đến phát triển bền vững, thu hút được sự quan tâm từ học viên ở đa dạng các độ tuổi và nền tảng khác nhau. Bên cạnh đó, những hoạt động hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường cũng được đẩy mạnh. Nhiều doanh nghiệp thành viên của VBCSD, như SCG Việt Nam, Samsung Việt Nam, Dow Việt Nam,… đã triển khai các hoạt động này trong nhiều năm, góp phần tích cực vào việc định hướng cho người học và thu hẹp khoảng cách giữa "học" và "hành" …
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chúng ta chưa có các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể đáp ứng được trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể khi chuyển đổi sang kinh tế xanh. Còn thiếu chương trình đào tạo có mục tiêu đối với những lao động mất việc làm và những lao động chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đó, đây là một hạn chế cần khắc phục, đòi hỏi sự vào cuộc, hành động của các cơ quan quản lý về xây dựng, thực thi chính sách hỗ trợ người lao động, cũng như của chính các doanh nghiệp trong việc đào tạo lại, đào tạo kỹ năng mới để người lao động đáp ứng được những yêu cầu mới về phát triển bền vững.
- Kinh tế xanh, việc làm xanh đã và đang được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn, được đề cập trong các cam kết thương mại quốc tế. Việt Nam cần phải hành động như thế nào để đưa các cam kết nói trên vào thực tế, thưa ông?
Để phát triển kinh tế xanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà và đáp ứng các cam kết thương mại quốc tế, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, có thể kể đến các giải pháp như:
Thứ nhất, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường.
Thứ hai, tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật về môi trường, phát triển bền vững. Các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ) dễ dàng tiếp cận thông tin hơn. Cần chú trọng truyền thông chính sách trong lĩnh vực này như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tăng trưởng xanh, khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch; tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các chính sách để ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Xây dựng các bộ tiêu chí để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường.
Thứ tư, theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. Bên cạnh hoàn thiện khung khổ chính sách thì thúc đẩy thực thi chính sách cũng hết sức quan trọng.
Thứ năm, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong đó ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực. Các cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán carbon…
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp: đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, phòng cháy, xây dựng, quản lý thị trường, môi trường, kho bạc và lao động… Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Một báo cáo từ LinkedIn cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực có kỹ năng xanh đang tăng cao trên toàn cầu nhưng thiếu hụt số người có khả năng đáp ứng. Theo đó, năm 2022-2023, chỉ có 12,3% số người có những kỹ năng xanh hoặc đang làm công việc xanh trong lực lượng lao động và tỷ lệ tuyển dụng lao động có ít nhất một kỹ năng xanh chỉ đạt 22,4%.