Giới chức Viện Di trú Quốc gia Mexico xác nhận với Reuters rằng, ngày 6/11, số người trong đoàn “caravan di cư”, khởi hành từ thành phố Tapachula ở miền nam Mexico để tới biên giới giáp Mỹ, giảm còn chưa đến 1.600 người, so mức 3.000 người của ngày trước đó, tức là ngày bầu cử tại Mỹ. Hàng nghìn người di cư lo ngại về viễn cảnh tương lai khi Tổng thống Mỹ thứ 47 thực hiện cam kết quan trọng là siết chặt các quy định hạn chế về nhập cư.
Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố sẽ khôi phục chính sách nhập cư được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông và bổ sung những hạn chế mới. Ông Trump cam kết mạnh tay với tình trạng vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ, hạn chế quyền tiếp cận tị nạn tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico và tiến hành nỗ lực trục xuất người nhập cư trái phép lớn nhất trong lịch sử. Ông còn cân nhắc việc chấm dứt “quyền công dân tự động” đối với trẻ em có cha mẹ là người nhập cư, thu hồi quy định “được bảo vệ” của một số nhóm và tái lập “lệnh cấm du lịch”, hạn chế nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân một số quốc gia...
Dư luận cũng chú ý tới một lĩnh vực dự kiến có nhiều thay đổi lớn là thương mại. Ông Trump đưa ra ý tưởng áp thuế 10% trở lên đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, động thái theo ông là giúp loại bỏ thâm hụt thương mại. Ông luôn nhấn mạnh “thuế quan” là từ khóa yêu thích, là nguồn doanh thu giúp lấp đầy “khoảng trống ngân sách. Tuy nhiên, ý kiến phản đối cho rằng, chính sách này khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá hàng hóa cao hơn và có thể gây bất ổn kinh tế toàn cầu.
Theo ông Trump, Mỹ nên tăng mức thuế đối với các nước áp thuế cao với hàng nhập khẩu từ Mỹ, không loại trừ cả các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU), thậm chí có thể áp thuế 200% đối với một số loại ô-tô nhập khẩu. Ông Trump đề xuất dần loại bỏ một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, như thép, đồ điện tử, dược phẩm..., thậm chí cân nhắc cấm các công ty Trung Quốc sở hữu bất động sản và cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ.
Một hướng chính sách mới đáng chú ý nữa là ưu tiên nhiên liệu hóa thạch và loại bỏ điện gió. Ông Trump cam kết tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch bằng cách nới lỏng quy trình cấp phép khai thác, khuyến khích xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới, chấm dứt sản xuất điện gió vì lý do quá đắt đỏ... Đặc biệt, một lần nữa Mỹ sẽ lại rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, vốn là cam kết toàn cầu về cắt giảm khí nhà kính khiến Trái đất ấm lên.
Điều dư luận thế giới quan tâm nhiều nhất là chính sách đối ngoại sắp tới của nước Mỹ, khi những khúc mắc dưới thời nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump có thể bị khơi lại trong quan hệ giữa Mỹ với nhiều đối tác, ngay cả với những đồng minh thân cận trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU. Chẳng hạn, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ xem xét lại mục đích và sứ mệnh của NATO, tiếp tục đòi hỏi sự đóng góp công bằng giữa Mỹ với các đồng minh.
Tổng thống đắc cử Donald Trump không hoàn toàn đồng tình về sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc khủng hoảng với Nga hiện nay, nhưng ủng hộ Israel trong cuộc chiến với lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Ông tuyên bố “sẽ chấm dứt đau khổ và tàn phá ở Lebanon” và “kết thúc xung đột ở Ukraine trong 24 giờ”, tuy nhiên không tiết lộ cách thức thực hiện. Điều dễ thấy là Mỹ sẽ tiếp tục cấp vũ khí cho Israel, thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia, bởi đây là những gì ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ trước đây.