Theo AFP, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Charles Michel và Quốc vương Qatar Hamad Al Thani - Chủ tịch luân phiên của GCC - đồng chủ trì hội nghị, thể hiện cam kết hợp tác mạnh mẽ từ cả hai khối. Sự kiện cũng có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận những chủ đề quan trọng mang tính toàn cầu như ứng phó biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng, tìm kiếm giải pháp năng lượng bền vững và đa dạng hóa nguồn cung; thúc đẩy hợp tác kinh tế thông qua tăng cường thương mại, đầu tư và phát triển bền vững; xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối giữa các quốc gia và thúc đẩy giao lưu văn hóa; tăng cường an ninh khu vực và quốc tế trước những thách thức về địa-chính trị. Những chủ đề này không chỉ phản ánh nhu cầu cấp thiết hiện tại mà còn mở ra cơ hội lâu dài cho cả EU và GCC trong việc phát triển kinh tế và xây dựng một hệ sinh thái hợp tác bền vững.
Hội nghị không chỉ đơn thuần là một diễn đàn thảo luận mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và các nước vùng Vịnh. Với cam kết từ cả hai bên, những kế hoạch và giải pháp đưa ra tại hội nghị lần này kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá thực chất trong nhiều lĩnh vực.
Việc tập trung thảo luận các vấn đề như năng lượng, đầu tư và an ninh cho thấy, EU và GCC cùng chia sẻ tầm nhìn chung về một tương lai ổn định và thịnh vượng. Hội nghị lần này đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác chiến lược giữa hai khối, đồng thời mở ra những cơ hội phát triển và tăng cường an ninh cho cả hai bên trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Những giải pháp cụ thể được kỳ vọng từ hội nghị sẽ không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn đóng góp vào việc xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng cho EU, GCC và cộng đồng quốc tế.
Trước đó, Đại sứ EU tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Bahrain và Oman, ông Christophe Farnaud nhấn mạnh, GCC và EU cần tăng cường hợp tác và phối hợp nỗ lực nhằm cải thiện sự ổn định ở thế giới Arab. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh GCC-EU, Đại sứ Farnaud cho rằng, tình hình căng thẳng ở Palestine, Lebanon, Sudan và Yemen, cũng như các cuộc không kích của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào hoạt động vận chuyển hàng hải ở Biển Đỏ là những nguyên nhân gây quan ngại về an ninh khu vực. Ông cho rằng, EU và GCC cần hợp tác vì sự ổn định khu vực, cũng như để thúc đẩy ngoại giao và đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng hiện nay trong khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh chung đầu tiên giữa GCC và EU cũng đề cập một loạt chủ đề, trong đó có thương mại, đổi mới sáng tạo, giáo dục và giao lưu nhân dân, nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ và thúc đẩy các lợi ích chung của cả hai khối. Trong năm nay, các quốc gia thành viên EU là Slovenia, Tây Ban Nha và Ireland đã chính thức công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền. Một quốc gia châu Âu ngoài EU là Na Uy cũng có quyết định tương tự.
Các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai khối nhằm xây dựng một tương lai, đối phó những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng đã đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ EU và GCC. EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của GCC, với trao đổi thương mại giữa hai khối ghi nhận 170 tỷ euro (khoảng 186 tỷ USD) trong năm 2023.