Theo AP, sau hai ngày diễn ra hội nghị (7 và 8/10), HSC 2024 đã thông qua hơn 15 thỏa thuận, thể hiện cam kết hợp tác chặt chẽ của các chính phủ, doanh nghiệp, giới khoa học nhằm tạo động lực mới trong hiện thực hóa các SDG.
Phát biểu ý kiến bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) Svenja Schulze nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới khu vực diễn biến phức tạp, HSC 2024 đã "thổi làn gió mới" vào việc hợp tác phát triển SDG, cũng như tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc định hình một hội nghị mới, dự kiến diễn ra tại Hamburg vào tháng 6/2025.
Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức, Liên minh Công đoàn Đức (DGB), Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Gilbert F. Houngbo và đại diện các đối tác xã hội quốc tế đã phát động lời kêu gọi chung vì một quá trình chuyển đổi cơ cấu việc làm công bằng, vừa bảo đảm duy trì công việc sẵn có, vừa tạo ra các công việc mới. Quá trình này sẽ thuận lợi hơn dưới sự nỗ lực chung của chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động.
Tại HSC 2024, Liên minh pin toàn cầu cũng đưa ra định hướng sản xuất pin cho xe điện. Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức, Bộ Kinh tế Serbia và Bộ Kinh tế Zambia đã tuyên bố gia nhập liên minh. Serbia - quốc gia có trữ lượng lithium lớn - lần đầu trở thành thành viên của một liên minh xây dựng các tiêu chuẩn bền vững quốc tế trong lĩnh vực nguyên liệu thô. Trong khi đó, Zambia là một quốc gia sản xuất đồng và cũng có các mỏ niken. Các tiêu chuẩn về tính bền vững được ưu tiên bao gồm việc bảo đảm không có lao động trẻ em trong quá trình sản xuất pin và nguyên liệu thô, bảo vệ các nguồn tài nguyên nước.
HSC 2024 còn thông qua Tuyên bố Hamburg về phát triển hàng không xanh và Tuyên bố Hamburg về phi carbon hóa vận tải biển toàn cầu hướng tới chuyển đổi sang hydro xanh, chú trọng sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời. Ngoài ra, HSC 2024 cũng thảo luận toàn diện về các cách tiếp cận nhằm thiết lập cấu trúc tài chính quốc tế công bằng và hiệu quả hơn.
Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed đã lên tiếng kêu gọi các nước triển khai những quyết sách táo bạo và những giải pháp sáng tạo nhằm đạt được các SDG từ nay đến năm 2030. Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF) năm 2024, bà Mohammed đã nêu bật sự cấp bách phải triển khai "những hành động mang tính chuyển đổi" để giải quyết các thách thức toàn cầu như nghèo đói, mất an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh, dù con đường phía trước còn nhiều chông gai, nhưng nếu đoàn kết, thế giới có thể vượt qua để hiện thực hóa một tương lai hòa bình, thịnh vượng và bền vững cho tất cả mọi người.
Nhìn lại lộ trình hướng tới Chương trình nghị sự 2030, Phó Tổng Thư ký LHQ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai sắp tới. Theo bà, đây là cơ hội hiếm có để hàn gắn niềm tin bị xói mòn và chứng minh rằng "hợp tác quốc tế - tinh thần đoàn kết của con người khi đứng trước những cơ hội và cả những thách thức - có thể đưa chúng ta tiến về phía trước".
Bà Mohammed cũng đã chỉ ra những thách thức đa chiều mà cộng đồng toàn cầu đang phải đối mặt, từ nghèo đói đến biến đổi khí hậu, trong khi chưa đến 20% các mục tiêu SDG đang đi đúng hướng. Do đó, thông qua HLPF, các nước sẽ cùng nhau tìm kiếm các giải pháp và thể hiện quyết tâm chính trị để biến những cam kết thành hành động nhằm đạt được một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.
HLPF do Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC) LHQ bảo trợ, tập trung vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo thông qua các giải pháp bền vững, nâng cao năng lực chống chịu và phục hồi, cũng như tìm kiếm những giải pháp sáng tạo trong bối cảnh diễn ra nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu khác nhau. Trong khuôn khổ diễn đàn, các quốc gia trình bày báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) về những thành tựu, thách thức và chiến lược để đạt được các mục tiêu SDG trong tương lai.