Cuối tuần trước, quân đội Israel thông báo đã đánh chặn thành công một tên lửa phóng từ Yemen. Thông báo được đưa ra sau khi phong trào Houthi ở Yemen tuyên bố “không ngần ngại ủng hộ Lebanon và Hezbollah” nếu giao tranh leo thang giữa lực lượng Hezbollah và Israel. Trước đó, Israel cũng xác nhận vụ Houthi bắn tên lửa đạn đạo vào Israel hôm 15/9 là lần đầu tên lửa từ Yemen vươn tới khu vực trung tâm Israel.
Từ tháng 11/2023, Houthi đã tiến hành các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền trên Biển Đỏ có liên quan Israel và tuyên bố là để thể hiện ủng hộ người Palestine trong cuộc xung đột ở Gaza. Việc Houthi bắn tên lửa vào Israel nhằm ủng hộ Hezbollah, trong bối cảnh xung đột ở Gaza chưa lắng dịu, đã dấy lên lo ngại nguy cơ khủng hoảng toàn diện tại Trung Đông. Hoạt động can dự của Houthi vào các cuộc xung đột với Israel đã tác động trực tiếp tới tiến trình hòa bình tại Yemen.
Yemen sa lầy vào nội chiến từ cuối năm 2014, khi Houthi giành quyền kiểm soát các tỉnh phía bắc, buộc chính phủ Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận phải rời Thủ đô Sana’a tới thành phố Aden. Năm 2015, liên minh các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực.
Sau các cuộc đàm phán kéo dài, với nỗ lực trung gian của LHQ, tháng 4/2022, Chính phủ Yemen và Houthi ký thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên có thời hạn 2 tháng. Thỏa thuận sau đó được gia hạn 2 lần trước khi bị phá vỡ vào tháng 10/2022. Việc Saudi Arabia và Iran bình thường hóa quan hệ vào tháng 3/2023 đã tác động tích cực tới tình hình tại Yemen, khi Houthi thể hiện thiện chí nối lại đàm phán, với vai trò trung gian của Saudi Arabia. Tuy nhiên, xung đột nổ ra ở Gaza đã làm chệch hướng tiến trình hòa bình của Yemen.
Phát biểu ý kiến ngày 20/9, đánh dấu 10 năm Houthi kiểm soát Thủ đô Sana’a, lãnh đạo Hội đồng chính trị tối cao của Houthi tuyên bố lực lượng này đã sẵn sàng khôi phục đàm phán với Chính phủ Yemen và liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu. Điều kiện kèm theo gồm mở cửa lại các sân bay và cảng biển, trả tự do cho tù nhân, bồi thường thiệt hại và các “thế lực nước ngoài” rút khỏi Yemen.
Trong khi đó, phát biểu ý kiến trước Đại hội đồng LHQ hôm 26/9, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Yemen nêu rõ, Chính phủ Yemen khẳng định lại cam kết về một nền hòa bình toàn diện, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Yemen bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm thực thi các nghị quyết quốc tế về cấm chuyển vũ khí cho Houthi.
Nhằm đáp trả hành động tấn công của Houthi và bảo vệ các tuyến hàng hải thương mại trên Biển Đỏ, từ cuối năm ngoái, Mỹ và Anh đã phát động chiến dịch mang tên “Bảo vệ thịnh vượng” với sự tham gia, ủng hộ của khoảng 20 nước và thực hiện các đợt không kích nhằm mục tiêu của Houthi trong lãnh thổ Yemen. Tuy nhiên, người đứng đầu Hội đồng chuyển tiếp miền Nam trong Hội đồng Tổng thống Yemen mới đây cho rằng, các cuộc không kích của Mỹ và Anh chưa làm suy yếu năng lực của Houthi, đồng thời kêu gọi sự phối hợp tốt hơn để chống lại mối đe dọa do Houthi gây ra đối với an ninh khu vực.
Khủng hoảng tại Yemen đã khiến hàng trăm người chết, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và kéo theo khủng hoảng nhân đạo tồi tệ, ước tính 17,6 triệu người Yemen mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm nay. Cảnh báo sự tham gia của Houthi vào các cuộc xung đột với Israel gây nguy hiểm cho tiến trình hòa bình của chính Yemen, LHQ kêu gọi các bên giảm căng thẳng và nhanh chóng khôi phục đàm phán.