Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, quyết định hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy nền kinh tế “đầu tàu” thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi mới, mặc dù vẫn còn nhiều công việc cần thực hiện. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đánh giá quyết định cắt giảm lãi suất là "dấu hiệu rất tích cực" cho vị thế của cường quốc số một thế giới này. Theo bà, quyết định của FED phản ánh lạm phát và các rủi ro liên quan giảm đáng kể và đang tiến gần tới mục tiêu 2%, trong khi vẫn duy trì được một thị trường lao động mạnh mẽ.
Giới chức Mỹ đưa ra đánh giá trên trong bối cảnh FED quyết định bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc hạ lãi suất xuống mức 4,75-5%. Đây là lần đầu kể từ năm 2020, ngân hàng trung ương Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ. Trước đó, Mỹ đã duy trì lãi suất hơn 5% trong hơn 1 năm để chống lạm phát. Giới chuyên gia đánh giá cuộc chiến chống lạm phát đã thu được kết quả và FED cần đưa lãi suất đi xuống.
Động thái cắt giảm lãi suất của FED được thị trường Phố Wall đón nhận tích cực. Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng, quyết định này nhằm mục tiêu ngăn chặn rủi ro suy thoái và thể hiện sự tự tin của ngân hàng trung ương Mỹ vào triển vọng kinh tế hiện tại. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 lập đỉnh mới ngay sau khi FED giảm lãi suất. Với triển vọng lạc quan, ông Brian Belski - chiến lược gia đầu tư trưởng tại BMO Capital Markets - đã nâng mục tiêu cuối năm cho S&P 500 lên 6.100 điểm, cao hơn đáng kể so dự báo trước đó là 5.600 điểm. Trong khi đó, ông Timothy Chubb - Giám đốc đầu tư tại Girard Advisory Services - nhận định các công ty, đặc biệt là các công ty vốn hóa nhỏ, sẽ hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng này.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt ghi nhận mức tăng ấn tượng. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt (Đức) đã lập cột mốc mới khi lần đầu chỉ số này vượt 19.000 điểm sau động thái cắt giảm lãi suất của FED. Tại Paris (Pháp), thị trường chứng kiến một phiên giao dịch hết sức sôi động với mức tăng 2,3%, ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ đầu năm. Chỉ số FTSE 100 trên sàn giao dịch London (Anh) cũng kết thúc phiên giao dịch trong sắc xanh, tăng 0,9%.
Các nhà phân tích đánh giá động thái cắt giảm lãi suất của FED phát đi tín hiệu về chu kỳ chính sách mới với cuộc chiến chống lạm phát không còn là mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh đó, lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay có thể mang lại lợi ích cho cuộc đua vào Nhà trắng của đảng Dân chủ. Các cử tri Mỹ luôn coi nền kinh tế là mối quan tâm hàng đầu. Việc chi phí vay giảm sẽ giúp người tiêu dùng có thêm tiền, từ đó thúc đẩy nhu cầu trong nền kinh tế và duy trì được động lực tâm lý cần thiết trước thềm bầu cử.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết, việc FED cắt giảm lãi suất sẽ không làm thay đổi nhiều trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, chi phí vay thấp hơn sẽ được chuyển sang thị trường nhà ở, khuyến khích các nhà xây dựng tăng nguồn cung và thúc đẩy những chủ sở hữu nhà cân nhắc việc bán nhà. Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 18/9, lĩnh vực xây dựng nhà ở gia đình đơn lập đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 8, song số giấy phép xây dựng trong tương lai chỉ tăng nhẹ cho thấy đà tăng khó có thể duy trì trong bối cảnh nguồn cung nhà ở mới trên thị trường đang trở nên dồi dào hơn.
Bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Nationwide Financial, đánh giá việc FED hạ lãi suất sẽ giúp giảm bớt một số áp lực tài chính mà người tiêu dùng đã phải gánh chịu trong 2,5 năm qua do lạm phát, giúp chi phí vay giảm trên diện rộng và người tiêu dùng cảm thấy “nhẹ nhàng hơn”, qua đó thúc đẩy chi tiêu. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng, nền kinh tế đầu tàu thế giới đang cần mức lãi suất thấp hơn nữa để hỗ trợ việc đạt được "hạ cánh mềm".