Mối lo của nước Đức

Chủ nghĩa dân túy cánh hữu và tư tưởng cực đoan cực hữu đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn với sự ổn định thể chế và xã hội của nước Đức. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, nếu nhìn lại lịch sử, có thể thấy những kẻ cực đoan luôn là nỗi bất hạnh của nước Đức.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: SANOUNI IMAD
Biếm họa: SANOUNI IMAD

Văn phòng Công tố Liên bang Đức cho biết, cảnh sát ngày 5/11 đã bắt giữ 8 thành viên nghi thuộc một nhóm phiến quân cực đoan cánh hữu, trong đó có chính trị gia địa phương của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), ông Kurt H. Theo AFP, 8 đối tượng trên bị cáo buộc đã thành lập một nhóm khủng bố cánh hữu có tên gọi “Những người ly khai Saxon”. Các vụ bắt giữ diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau ở Saxony và ở Ba Lan. Theo Văn phòng Công tố Liên bang, đây là một nhóm phân biệt chủng tộc, bài Do thái và có tư tưởng cực đoan, tổng cộng có khoảng 15 đến 20 thành viên.

Nhóm cực hữu trên được cho là thành lập vào tháng 11/2020. Các thành viên phản đối trật tự dân chủ và tự do của CHLB Đức và muốn chính phủ “sụp đổ”. Các thành viên được huấn luyện bán quân sự về trang bị chiến đấu. Theo đó, họ thực hành chiến đấu trong nhà và sử dụng súng, đồng thời mua sắm các thiết bị quân sự như quần áo ngụy trang, áo bảo hộ và mũ bảo hiểm chiến đấu.

Đây không phải lần đầu các phe nhóm cực hữu, cánh hữu gây lo ngại về bất ổn an ninh tại Đức. Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser từng khẳng định rằng, cực đoan cánh hữu ngày nay là "mối đe dọa lớn nhất" đối với trật tự dân chủ ở Đức. Do đó, Chính phủ Đức "muốn sử dụng tất cả các công cụ pháp quyền để bảo vệ nền dân chủ, triệt phá các mạng lưới cực đoan cánh hữu, cắt nguồn tài chính và tước bỏ vũ khí của các mạng lưới này".

Bộ trưởng Faeser nhấn mạnh, những kế hoạch bị tiết lộ gần đây của đảng cực hữu AfD đã cho thấy mối đe dọa trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết đối với đất nước. Theo đó, các mạng lưới cực đoan cánh hữu, với sự tham gia của AfD và các thành viên Phong trào Bản sắc đang lên kế hoạch trục xuất hàng triệu người dân khỏi nước Đức vì nguồn gốc sắc tộc của họ. Ngoài ra, các đối tượng cực đoan cánh hữu đã thực hiện hơn 20.000 hành vi tội phạm và bạo lực những năm gần đây.

Theo kế hoạch, Chính phủ Đức sẽ triển khai nhiều biện pháp mới để cắt giảm nguồn tài chính của các nhóm cực đoan cánh hữu, bằng cách phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cảnh sát, Cơ quan Tình báo nội địa BfV và các tổ chức tài chính. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng có kế hoạch thắt chặt luật sử dụng súng nhằm ngăn chặn các nhóm cực đoan cánh hữu có cơ hội tiếp cận.

Bộ Nội vụ Đức thông báo, năm ngoái, tỷ lệ tội phạm có động cơ chính trị tại nước này đã tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức cao kỷ lục là 60.028 vụ. Trong một thông báo, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser khẳng định, để ngăn chặn loại tội phạm này, Đức cần phát thông điệp “pháp quyền” rõ ràng. Bà Faeser nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải bảo vệ người dân trước những mối đe dọa phân biệt chủng tộc và thù địch, chủ nghĩa bài Do Thái, bạo lực Hồi giáo và cánh hữu cực đoan”.

Phần lớn số tội phạm trên được cho là thuộc phe cánh hữu, với số vụ tăng 23% lên gần 29.000 vụ. Tội phạm chống người tị nạn tăng đặc biệt mạnh 75%, lên khoảng 2.500 trường hợp. Giám đốc Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Holger Muench cho biết: “Tội phạm có động cơ chính trị đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm và tiếp tục gia tăng”. Đáng nói, một số bộ phận dân chúng có xu hướng cực đoan hóa.

Hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các chính trị gia thuộc nhiều phe phái chính trị khác nhau hiện đang gây lo ngại ở Đức. Người đứng đầu Bộ Nội vụ Faeser cảnh báo: “Chúng ta đang trải qua sự leo thang của những gây hấn chính trị với ngày càng nhiều những âm mưu đe dọa và tấn công những người đang hoạt động chính trị”. Bà Faeser khẳng định, nước Đức sẽ không dung thứ cho hành vi bạo lực này.

Bất ổn an ninh và xã hội do làn sóng nhập cư, tị nạn đang ảnh hưởng không nhỏ tới nước Đức. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách ngăn chặn sự “bành trướng” của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu, Chính phủ Đức được dự báo sẽ phải đối mặt những thách thức lớn hơn trong thời gian tới.