Những nhiệm vụ ưu tiên đã được tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte nêu rõ trong bài phát biểu hôm 1/10, khi tiếp nhận chức vụ từ người tiền nhiệm Jens Stoltenberg. Ông Rutte khẳng định ủng hộ Ukraine và thúc đẩy NATO thực hiện cam kết hỗ trợ đối tác, củng cố năng lực của liên minh xuyên Đại Tây Dương để đối phó thách thức và phối hợp tốt với nhà lãnh đạo mới của Mỹ vào năm tới. Điều này phù hợp kỳ vọng của giới chức NATO mong muốn tân lãnh đạo duy trì những nỗ lực mà người tiền nhiệm theo đuổi, gồm huy động hỗ trợ Ukraine, thúc đẩy chi tiêu quốc phòng nhiều hơn và duy trì liên kết với Mỹ trong các vấn đề an ninh châu Âu.
Là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, ông Rutte trở thành lãnh đạo mới của NATO sau hơn một thập niên. Dù vậy, việc chọn ông làm Tổng Thư ký NATO vẫn gây tranh cãi. Nhiều ý kiến hy vọng lãnh đạo tiếp theo của NATO được lựa chọn từ những nước thành viên mới hơn, nhất là từ khu vực Trung hoặc Đông Âu, nơi được cho là chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thách thức địa-chính trị hiện nay. Điểm gây tranh luận nữa là trong bối cảnh việc chia sẻ gánh nặng tài chính nổi lên là vấn đề cấp bách, thì quốc gia quê hương ông là Hà Lan vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chi tiêu quốc phòng tối thiểu của NATO.
Thực tế nêu trên làm nổi bật những nhiệm vụ cấp bách mà ông Rutte phải nhanh chóng bắt thay thực hiện, nhất là vấn đề Ukraine. Được đánh giá là “người bảo vệ kiên cường cho Ukraine”, song ông Rutte thừa nhận rằng, việc cung cấp hỗ trợ bền vững cho Ukraine vẫn là thách thức lớn nhất. Ngay sau khi nhậm chức, hôm 3/1, ông Rutte đã tới Kiev và trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Rutte thảo luận về kế hoạch chấm dứt xung đột, đồng thời tái khẳng định cam kết của NATO thúc đẩy Ukraine trở thành thành viên của khối đồng minh quân sự xuyên đại dương.
Mục tiêu quan trọng nữa là chia sẻ gánh nặng chi tiêu quân sự. Đến nay 23 trong số 32 thành viên của NATO đã đạt mục tiêu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Phần lớn chi tiêu tăng là từ các nước Trung và Đông Âu, trong khi các nền kinh tế lớn hơn, như Tây Ban Nha, Italy và Canada, vẫn duy trì mức thấp hơn nhiều so yêu cầu của NATO. Nhiệm vụ ưu tiên của ông Rutte là thúc đẩy đóng góp công bằng cho nhiệm vụ quốc phòng tập thể. Trong kịch bản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà trắng, áp lực với các thành viên châu Âu còn tăng hơn nữa.
Ngoài ra, việc mở rộng mạng lưới quan hệ toàn cầu của NATO cũng cần được nhà lãnh đạo mới triển khai mạnh mẽ, để thích nghi bối cảnh thế giới đa cực mới và các quốc gia ở xa châu Âu vẫn có thể tác động đáng kể đến an ninh của cộng đồng xuyên Đại Tây Dương. NATO đã tăng cường hợp tác với Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc và theo chuyên gia Luke Coffey, NATO sẽ tham gia sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Xung đột gia tăng nghiêm trọng tại Trung Đông, Bắc Phi cũng làm nổi bật tầm quan trọng của sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa NATO và khu vực MENA, gồm 20 quốc gia.
Những mục tiêu của NATO cần đạt được trong bối cảnh chính trị phức tạp của cộng đồng xuyên Đại Tây Dương, cũng như nội bộ các thành viên. Trong đó, thách thức mới là xu hướng trỗi dậy của lực lượng cực hữu, khi các đảng cánh hữu giành vị thế đáng kể tại Hungary, Slovakia; thành công trong các cuộc bầu cử địa phương ở Đức; gia tăng ảnh ở Pháp... Một số đảng không chia sẻ cam kết với NATO và quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vì thế có thể gây trở ngại đối với các quyết định của liên minh quân sự.