Định hình tương lai châu Âu

Thủ tướng Anh Keir Starmer tới Pháp dự lễ kỷ niệm Ngày đình chiến ở Paris, động thái được cho là thể hiện sự đoàn kết của châu Âu chỉ vài ngày sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Tạo niềm tin vững chắc cho tương lai của toàn bộ châu Âu và dẫn dắt “lục địa già” tiếp tục đi đúng hướng là mục tiêu hợp tác của hai nguyên thủ Anh - Pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) gặp gỡ Tổng thống Pháp Macron tại Paris. Ảnh: EURONEWS
Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) gặp gỡ Tổng thống Pháp Macron tại Paris. Ảnh: EURONEWS

Chuyến thăm ngày 11/11 là dấu mốc quan trọng khi Thủ tướng Starmer trở thành nhà lãnh đạo Anh đầu tiên tham dự lễ kỷ niệm Ngày đình chiến ở Pháp kể từ thời Thủ tướng Winston Churchill năm 1944. Sự tham dự của Thủ tướng Starmer tại lễ kỷ niệm Ngày đình chiến đánh dấu 120 năm Hiệp ước Entente Cordiale giữa Anh - Pháp và 80 năm ngày giải phóng nước Pháp. Nhà lãnh đạo Anh cho biết rất vinh dự khi có mặt tại Paris, cùng Tổng thống Macron tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, những người đã hy sinh cao cả vì nền tự do mà mọi người đang tận hưởng ngày hôm nay.

Reuters dẫn thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh cho hay, trước khi dự lễ kỷ niệm tại Mộ chiến sĩ vô danh cùng các cựu chiến binh Pháp và Anh, Thủ tướng Starmer và Tổng thống Macron dự kiến thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine. Tuyên bố từ Điện Élysée khẳng định quyết tâm của hai nước trong việc hỗ trợ Ukraine lâu dài và nhất quán. Bên cạnh đó, Tổng thống Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước châu Âu chủ động trong những vấn đề an ninh và quốc phòng. Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Anh nêu rõ vấn đề Ukraine là ưu tiên hàng đầu của hai nhà lãnh đạo, trong bối cảnh ông Donald Trump vừa tái đắc cử Tổng thống Mỹ và có xu hướng hạn chế sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột quốc tế.

Theo giới quan sát, chuyến thăm của Thủ tướng Anh Keir Starmer tới Pháp được đánh giá là cơ hội quan trọng đối với Pháp và Anh - hai cường quốc châu Âu hàng đầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong bối cảnh nhiều câu hỏi đang đặt ra về cách ứng xử của ông Donald Trump dành cho liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng như Ukraine khi trở lại Nhà trắng.

Sự lo ngại của các nước châu Âu về chủ nghĩa biệt lập của ông Trump và các chỉ trích về chi tiêu quốc phòng đã thúc đẩy Anh và Pháp đẩy mạnh sự hợp tác, nhằm bảo đảm sự hỗ trợ cho Ukraine, đồng thời củng cố an ninh của châu Âu. Cuộc gặp cũng thể hiện nỗ lực của Anh và Pháp trong việc duy trì sự thống nhất của châu Âu, đặc biệt khi hai quốc gia này là thành viên chủ chốt của NATO.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Starmer đã thảo luận với Tổng thống Macron về một hiệp ước quốc phòng và an ninh với Liên minh châu Âu (EU) mà nhà lãnh đạo Anh mong muốn đàm phán vào năm tới. Vấn đề hợp tác thương mại cũng nằm trong chương trình nghị sự khi Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan toàn phần 20% đối với hàng nhập khẩu vào nước này. Một số nhà kinh tế cảnh báo về tác động toàn cầu của mức thuế quan trên, khi dự báo xuất khẩu của Anh có thể thiệt hại tới 22 tỷ bảng (28,6 tỷ USD).

Ngoài hội đàm với Tổng thống Macron, Thủ tướng Starmer gặp gỡ Thủ tướng Pháp Michel Barnier, người từng là nhà đàm phán trong tiến trình Anh rời khỏi EU (Brexit). Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo phản ánh quan hệ gắn bó giữa hai nước, một phần được hình thành và củng cố thông qua sự hy sinh của những người lính Anh và Pháp ở tiền tuyến.

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Starmer được đánh giá là thời khắc quan trọng đối với Pháp và Anh, hai quốc gia vốn gắn bó mật thiết trên mọi lĩnh vực song mối quan hệ dần phai nhạt sau sự kiện Brexit. Cùng tìm hướng giải quyết những vấn đề quốc tế mà hai bên đều có chung mối quan tâm, cũng như việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại Anh - Pháp đã trở thành những chất xúc tác giúp hai quốc gia tìm lại với nhau, cùng định hình và củng cố lại tương lai của châu Âu trong giai đoạn mới.