Mục tiêu của sáng kiến này là quy tụ các quốc gia phát triển, tổ chức phi chính phủ và tổ chức tài chính để huy động tài chính và chuyên môn hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn. Bộ trưởng Phát triển Xã hội Brazil, ông Wellington Dias cho biết, sáng kiến này dự kiến thu hút 100 quốc gia trong những tháng tới. Cho đến nay, hơn 50 quốc gia đang chuẩn bị kế hoạch tham gia. Các quốc gia tài trợ bao gồm Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Na Uy, Tây Ban Nha cùng các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP).
Các sáng kiến chính của liên minh bao gồm mở rộng chương trình chuyển tiền mặt để hỗ trợ 500 triệu người, cung cấp bữa ăn cho 150 triệu trẻ em tại các trường học và hỗ trợ 200 triệu trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ mang thai thông qua các chương trình y tế. Theo kế hoạch, liên minh sẽ giúp xóa đói nghèo cho tất cả các quốc gia trong bản đồ đói nghèo của FAO vào năm 2030.
Theo LHQ, thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng kép: Nghèo đói cùng cực trở lại sau 20 năm và khoảng cách bất bình đẳng ngày càng nới rộng. Chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI) do Chương trình phát triển LHQ (UNDP) và Sáng kiến phát triển con người và nghèo đói Oxford (OPHI) vừa công bố cho thấy, khoảng 1,1 tỷ người trên thế giới sống ở mức nghèo cùng cực, với hơn một nửa trong số đó là trẻ em.
Ông Yanchun Zhang, chuyên viên thống kê trưởng tại UNDP cho biết, trong số những người nghèo cùng cực có 455 triệu người sống trong xung đột. Đối với người nghèo tại các nước bị ảnh hưởng của xung đột, cuộc đấu tranh vì những nhu cầu cơ bản là một cuộc chiến khắc nghiệt hơn nhiều và dữ dội hơn nhiều. Đặc biệt, tỷ lệ nghèo đói ở các nước có chiến tranh cao hơn gấp 3 lần. Bà Sabina Alkire, Giám đốc OPHI nhấn mạnh, thách thức đối với cộng đồng quốc tế là phải vừa cắt giảm đói nghèo vừa thúc đẩy hòa bình, để bảo đảm hòa bình lâu dài.
Hiện 83,2% số người nghèo nhất thế giới sống ở châu Phi hạ Sahara và Nam Á. Tại vùng Sừng châu Phi - một điểm nóng về xung đột và nghèo đói, gần 63 triệu người đang phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong khi 11 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính và cần được hỗ trợ nhân đạo. Tình trạng nghèo đói tràn lan, nạn mù chữ, xung đột do tranh chấp tài nguyên, bất bình đẳng và khủng hoảng khí hậu được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm lương thực tại vùng Sừng châu Phi. Những tác động kéo dài do đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu mưa 5 mùa liên tiếp, lũ lụt liên quan hiện tượng khí hậu El Nino và giao tranh giữa các cộng đồng đã khiến cho khủng hoảng đói nghèo ở vùng Sừng châu Phi trở nên trầm trọng hơn.
Một thực tế đáng buồn khác là hiện một nửa dân số nghèo nhất toàn cầu chỉ sở hữu 2% tài sản của thế giới, trong khi 10% giàu nhất nắm giữ 76%. Theo báo cáo, các cuộc khủng hoảng liên tiếp có thể dẫn đến tổn thất sản lượng kinh tế tích lũy hơn 50.000 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2030, mất đi các cơ hội đầu tư vào phát triển xã hội.
Theo các tổ chức của LHQ, mặc dù tình hình hiện tại rất khó khăn, nhưng đây là cơ hội để các quốc gia xây dựng lại một xã hội bền vững hơn. Liên minh toàn cầu chống đói nghèo được kỳ vọng nhanh chóng hỗ trợ người nghèo, giúp các quốc gia đối phó khó khăn do các tác động từ cuộc khủng hoảng toàn cầu gần đây.
LHQ kêu gọi các nước giàu xem xét các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng nợ cho các quốc gia đang phát triển, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước này. Để xây dựng khả năng chống chịu của các cộng đồng dân cư địa phương, chính phủ các nước châu Phi và Nam Á nên đầu tư vào nông nghiệp sinh lãi sớm, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và tăng cường các biện pháp ứng phó với những tình huống bất ngờ.