Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, kỳ tổng tuyển cử lần thứ 60 của nước Mỹ, chứng kiến những quan điểm khác biệt, thậm chí trái chiều giữa hai đại diện đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong hầu hết các vấn đề, từ chính sách đối ngoại, thương mại đến nhập cư, giáo dục…
Kinh tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ và trong kỳ bầu cử năm nay, vấn đề chính sách thuế nổi lên, với sự khác biệt rõ rệt trong quan điểm của hai ứng viên. Cựu Tổng thống Donald Trump muốn giữ nguyên mức thuế cá nhân được áp dụng năm 2017, còn Phó Tổng thống Kamala Harris lại đề xuất tăng thuế với gia đình có thu nhập hơn 400.000 USD/năm. Để giảm thâm hụt ngân sách, bà Harris muốn tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, trong khi ông Trump thậm chí đề xuất giảm xuống mức 15%.
Bà Harris được cho là sẽ duy trì chính sách thuế quan hiện tại, gồm cả thuế suất áp với thép, nhôm và hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, ông Trump nói sẽ tăng gấp đôi và đề xuất mức thuế tối thiểu mới là 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu.
Trong vấn đề nhập cư, ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ kêu gọi tạo một “con đường có trật tự và nhân đạo”. Bà cũng ủng hộ siết chặt các quy định hạn chế hiện hành, bác bỏ quyền tị nạn đối với người vượt biên trái phép từ Mexico vào Mỹ. Trong khi đó, ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục dự án “tường biên giới” là khôi phục chính sách “ở lại Mexico”, ngăn chặn và bắt giữ tất cả người nhập cư trái phép. Ông đề xuất triển khai lực lượng vệ binh quốc gia, thậm chí là quân đội chính quy, nếu cần thiết để bảo vệ biên giới phía nam của Mỹ.
Về chính sách khí hậu, bà Harris tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế Mỹ theo hướng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, giảm thuế và tăng ưu đãi, hỗ trợ người tiêu dùng mua xe điện và các công ty sản xuất năng lượng tái tạo. Ông Trump lại tuyên bố sẽ “đảo ngược” các khoản đầu tư vào công nghệ xanh, ô-tô điện... Thậm chí, ông Trump cảnh báo sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris hướng tới xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo nữ, phản đối phân biệt chủng tộc, chia rẽ người Mỹ vì vấn đề này. Bà thường nhắc lại rằng, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là một yếu tố dẫn đến vụ xả súng kinh hoàng năm 2019 khiến 23 người thiệt mạng. Trong khi đó, trong chiến dịch vận động cử tri, ông Trump thường nhấn mạnh đến sự phẫn nộ của người Mỹ da trắng trước mối đe dọa từ các nhóm chủng tộc thiểu số và người nhập cư bất hợp pháp.
Sự khác biệt rõ rệt thể hiện trong quan điểm về đối ngoại, ngoài việc cả hai ứng viên đều khẳng định “sự ủng hộ không lay chuyển” mà Mỹ dành cho Israel. Trong khi bà Harris ủng hộ Mỹ tiếp tục cấp viện trợ và thúc đẩy các đồng minh châu Âu hỗ trợ Ukraine, thì ông Trump tuyên bố sẽ không cấp thêm tiền cho Kiev. Với NATO, bà Harris khẳng định, ủng hộ củng cố và mở rộng liên minh, còn ông Trump nhắc lại quan điểm cũ cho rằng, NATO là “gánh nặng” với nguồn lực của Mỹ và dọa sẽ rút Mỹ khỏi khối đồng minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Với châu Á, Phó Tổng thống Kamala Harris đã dành nhiều nỗ lực vun đắp các mối quan hệ với các đối tác khu vực và cam kết duy trì cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden làm dịu căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Trong khi đó, tuyên bố của cựu Tổng thống Donald Trump sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khơi mào căng thẳng thương mại mới.
Cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 sẽ lựa chọn ra người ngồi “ghế nóng” tại Nhà trắng, thay Tổng thống Joe Biden. Người chiến thắng sẽ nhậm chức Tổng thống thứ 47 vào tháng 1/2025 và điều hành nước Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm tới.