Phát biểu ý kiến với báo giới, Tổng Giám đốc IMF Georgieva khẳng định, đây là “thời điểm đáng lo ngại”. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 chỉ ở mức 3,2%, như bà Goergieva mô tả là “èo uột”. Trong khi đó, thương mại toàn cầu đang ảm đạm trong bối cảnh xung đột và căng thẳng địa-chính trị ngày một gia tăng, trong đó có mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Tổng Giám đốc IMF nêu rõ, thương mại không còn là động lực mạnh mẽ của tăng trưởng và “chúng ta đang sống trong một nền kinh tế toàn cầu phân mảnh hơn”.
Trong khi đó, nhiều nước đang phải chật vật xử lý các khoản nợ vốn phát sinh để đối phó đại dịch Covid-19. IMF dự báo nợ công trên toàn thế giới sẽ lên tới 100.000 tỷ USD trong năm nay, tương đương 93% sản lượng kinh tế toàn cầu và có thể chiếm 100% vào năm 2030. Tuy nhiên, IMF đánh giá bối cảnh kinh tế toàn cầu không quá bi quan. Mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng như các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất và tình trạng tồn đọng tại các nhà máy, bến cảng, kho bãi đã gây ra sự thiếu hụt hàng hóa, chậm trễ trong giao nhận và giá cả tăng cao, song thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc kiềm chế lạm phát - vốn tăng mạnh trong hai năm 2021 và 2022, khi các nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trở lại sau đại dịch.
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu của công ty Capital Economics, ông Andrew Kenningham nhận định, Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu - đang suy thoái và cú huých mà kinh tế Pháp nhận được từ Thế vận hội mùa hè 2024 chỉ là nhất thời. Theo chuyên gia Kenningham, nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu của Đức đã “chập chờn” giữa suy thoái và không suy thoái trong hơn một năm qua. Ủy ban châu Âu (EC) thậm chí còn hạ dự báo tăng trưởng của Đức năm 2024 từ 0,3% xuống 0,1%. Với chính phủ thiểu số ở Pháp đang lên kế hoạch thắt chặt chi tiêu tài khóa một cách mạnh mẽ, triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Pháp đang ngày càng xấu đi. Tuy vậy, IMF dự báo lạm phát ở các quốc gia giàu có thể giảm vào năm tới, xuống mức 2% mà các ngân hàng trung ương mong muốn.
Trái ngược bức tranh ảm đạm của kinh tế thế giới, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là điểm sáng hiếm hoi về tăng trưởng. IMF nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực này lên 4,6% năm 2024 và 4,4% năm 2025. Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của IMF, ông Krishna Srinivasan khẳng định, khu vực này tiếp tục đóng vai trò là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu, đóng góp tới 60% tăng trưởng thế giới. Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2024, khu vực đã cho thấy sự tăng trưởng vượt kỳ vọng.
IMF dự báo nhu cầu nội địa tại châu Á sẽ phục hồi nhanh hơn các khu vực khác. Hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng ổn định, dù có thể chậm lại vào năm 2025. Các thị trường mới nổi khác trong khu vực cũng được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Về mặt lạm phát, châu Á đang cho thấy khả năng kiểm soát tốt hơn các khu vực khác trên thế giới, tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương trong khu vực có thể xem xét cắt giảm lãi suất.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, IMF cũng cảnh báo về các thách thức đang gia tăng. Những rủi ro chính bao gồm khả năng suy giảm nhu cầu toàn cầu, sự yếu kém của nhu cầu nội địa Trung Quốc và xu hướng gia tăng các rào cản thương mại quốc tế. IMF khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần tập trung vào điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa một cách linh hoạt, đồng thời xây dựng các biện pháp phòng ngừa rủi ro và đối phó các thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu, già hóa dân số.