Khi ca khúc “vào” phim
Từ xưa tới nay, người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới âm nhạc trong phim (soundtrack) nói chung, ca khúc trong phim (Original Soundtrack - OST) nói riêng. Bởi nếu không có nhạc nền, những phân cảnh không thoại sẽ thiếu đi sự hấp dẫn. Sự xuất hiện đúng lúc của âm nhạc sẽ giúp diễn xuất, hình ảnh diễn viên ăn sâu vào tiềm thức khán giả. Và chất lượng nhạc nền cũng sẽ giúp họ lưu giữ những xúc cảm, ký ức về bộ phim lâu hơn.
Mới đây, bộ phim truyền hình 45 tập Cuộc đời vẫn đẹp sao đã mang tới một cái kết có hậu vào trung tuần tháng 7 vừa qua, với thời lượng thực kéo dài gấp rưỡi số tập phim dự kiến. Chuyện đời của những phận người dưới đáy nơi xóm trọ nghèo bạc tiền nhưng giàu tình người và sự tử tế đã trở thành hiện tượng của màn ảnh nhỏ trong suốt thời gian dài lên sóng.
Một tháng đã trôi qua kể từ khi chuyện tình độc đáo của cặp đôi Lưu-Luyến khép lại nhưng ca từ buồn bã, da diết của À í a - ca khúc mà nhạc sĩ Dương Trường Giang viết riêng cho phim vẫn ngân nga trong trí nhớ người hâm mộ, “một mình ngồi buồn vu vơ/ Để rồi giọt đàn cứ ngấm vào chiều tà/ Để rồi lòng tự biết đau”. À í a được ghi nhận là thành công kế tiếp của cá nhân anh, sau những ca khúc viết riêng cho nhiều bộ phim đáng nhớ như 11 tháng 5 ngày, Lặng yên dưới vực sâu, Siêu lừa gặp siêu lầy, Cát đỏ...
À í a là thành công mới nhất của nhạc sĩ Dương Trường Giang và góp phần không nhỏ tạo dấu ấn cho phim Cuộc đời vẫn đẹp sao. Ảnh: ĐPCC. |
Trước đó, cộng đồng yêu nhạc Việt còn kỳ công lập hẳn một danh sách dài những ca khúc trong phim - cả điện ảnh lẫn truyền hình có khả năng “gây nghiện” cho khán giả, chỉ tính trong ít năm trở lại đây.
Có thể kể tới những ca khúc đã trở nên vô cùng quen thuộc trong các “siêu phẩm” màn ảnh nhỏ như Hạnh phúc mong manh trong Sống chung với mẹ chồng, Cảm ơn con nhé trong Về nhà đi con, Khi tình yêu bắt đầu trong Cả một đời ân oán, Lặng yên trong Lặng yên dưới vực sâu, Yêu là thế ư trong Hướng dương ngược nắng...
Với màn ảnh lớn, khán giả chẳng thể nào quên những Yêu là tha thu của Em chưa 18, Bống bống bang bang của Tấm Cám - chuyện chưa kể, Sao cha không của Bố già, Có chàng trai viết lên cây của Mắt biếc, Ngày chưa giông bão của Người bất tử...
Yêu là tha thu - ca khúc trong phim Em chưa 18 thu hút tới 148 triệu lượt xem. Ảnh: ĐPCC |
Có một điểm chung trong những cái tên vừa được liệt kê, chúng đều là những tác phẩm thành công, phim ra rạp thì đạt doanh thu phòng vé rất cao, phim lên sóng thì đạt chỉ số người xem (rating) rất ấn tượng. Nhưng ở chiều ngược lại, ngay cả khi phim dở hoặc ấn tượng mà nó mang lại cho người xem khá nhạt nhòa, ca khúc trong phim vẫn có thể được nhớ, được yêu, thậm chí lọt vào bảng xếp hạng những bản hit mà Khi tình yêu bắt đầu (phim Siêu thị tình yêu), Kiều mệnh khúc (phim Kiều), Anh (phim Nghe trà) là minh chứng cụ thể. Rời phim, ba ca khúc kể trên đã trở thành “bài tủ”, gắn chặt và làm nên thương hiệu cho ba giọng ca Bằng Kiều-Bùi Lan Hương và Hồ Quỳnh Hương. Những tựa phim nhanh chóng bị lãng quên, chỉ còn bài hát là sống mãi!
Có thể nói, khi ca khúc “vào” phim thì bộ phim mặc nhiên trở thành bệ phóng tiềm năng giúp sản phẩm âm nhạc có cơ hội bay cao, bay xa. Được vang lên đều đặn hai lần trong mỗi tập phát sóng, được xuất hiện rộng rãi trên mọi nền tảng trực tuyến cả trước-trong và sau khi ra rạp, được các phương tiện truyền thông nhiệt tình quảng bá, được đông đảo “mọt phim” nhiệt tình nhắc tới, bình luận trên trang cá nhân... ca khúc sẽ nhanh chóng được ghim vào trí nhớ đám đông, họ thích phim thì thường sẽ ủng hộ luôn cả bài hát.
Và khi ca khúc “thoát” phim
Lượng phim nội địa chiếu rạp hiện nay không hề nhỏ, mỗi năm ra mắt trung bình 40-50 tác phẩm. Thành công của khá nhiều ca khúc trong phim điện ảnh gần đây (như MV chính thức Sao cha không của phim Bố già đạt 24 triệu lượt xem hay Có chàng trai viết lên cây trong Mắt biếc thu hút tới 55 triệu views, chỉ tính riêng trên nền tảng YouTube) đã khiến các đạo diễn càng ngày càng phải mạnh tay “chi bạo” cho khâu này.
Từ đầu tư sản xuất MV chính thức đến hoạch định chiến lược PR bài bản, dùng sản phẩm âm nhạc thu hút sự quan tâm thưởng thức phim; từ đặt hàng những tên tuổi nhạc sĩ có năng lực “tạo hit” như Phan Mạnh Quỳnh, Nguyễn Hồng Thuận, Dương Khắc Linh... đến mời gọi những giọng ca được giới trẻ mến mộ như Ái Phương, Bùi Anh Tuấn, Bùi Lan Hương, Only C...
Phim truyền hình bây giờ rất ít tác phẩm thời lượng ngắn, 30-40 tập là trung bình, có phim kéo dài vài phần, tổng số tập lên tới cả trăm. Phim nào cũng có ít nhất một ca khúc chủ đề, nhiều phim chơi sang, khi được đặt hàng sáng tác tới 3-4 ca khúc như Zippo, mù tạt và em hay Ngược chiều nước mắt. Ngày nào xem phim cũng được nghe đi nghe lại, nghe mãi thành quen, nghe mãi sẽ ngấm rồi thấy hay, bài hát sẽ dễ thành hit, thành trend.
"Sao cha không" - Ca khúc chủ đề được khán giả yêu thích sau thành công vượt trội về doanh thu phòng vé của bộ phim "Bố già" . Ảnh: ĐPCC |
Tác phẩm 11 tháng 5 ngày trong bộ phim cùng tên của tác giả Dương Trường Giang từng có thời gian dài giữ kỷ lục ca khúc trong phim được hát lại (cover) nhiều nhất, nhờ đó chỉ tính trong thời gian phim lên sóng, số lượt nghe bài hát tổng cộng trên nhiều nền tảng đã cán mốc 70 triệu.
Sau những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ, nhiều nhạc sĩ được người trong giới vinh danh là “phù thủy”, là “ông trùm” hay “ông vua” của thể loại đặc thù này - với gia tài ca khúc, nhạc phim sở hữu đáng nể. Luôn được các đoàn làm phim nhiệt tình săn đón, họ cũng luôn là những cái tên đầu tiên mà nhà sản xuất nghĩ tới, khi muốn có những sản phẩm âm nhạc chất lượng chắp cánh cho những khuôn hình.
Thế hệ đi trước có Trọng Đài - người thổi hồn âm nhạc cho nhiều bộ phim như Chị tôi, Hương đất, Chuyện phố phường, Đường đời, Đất và người... hay Bảo Phúc, tác giả của những ca khúc trong phim nổi tiếng như Ngôi sao cô đơn, Những nẻo đường phù sa, Dòng sông không trở lại, Gót hồng...
Lớp đàn em kế tiếp có Xuân Phương với những Mong ước kỷ niệm xưa - phim Xin hãy tin em, Lời chưa nói - phim Phía trước là bầu trời hay Lời ru cho con - phim Của để dành...; có nhạc sĩ tay ngang đầy tài năng Tiến Minh cùng những cái tên được yêu thích như Vệt nắng cuối trời, Hướng dương ngược nắng, Đi qua bóng tối, Nơi tình yêu bắt đầu...; có tên tuổi quen thuộc Lê Anh Dũng của Đường xa tuyết trắng - phim Hai phía chân trời, Mãi chỉ là giấc mơ - phim Tình khúc bạch dương, Hạnh phúc mong manh - phim Sống chung với mẹ chồng...
Để lại dấu ấn đậm nét trong những ca khúc nhạc phim tuyệt đẹp, bằng chất giọng khác biệt cùng lối xử lý tinh tế, khán giả giờ đã có cho mình những cái tên ca sĩ gắn bó mật thiết cùng phim. Như giọng ca Mai Hoa luôn song hành cùng những bài hát gắn tên Trọng Đài, như Bùi Lan Hương - người thể hiện thành công những Ngày chưa giông bão - phim Người bất tử, Đóa bạch trà - phim Gái già lắm chiêu, chùm ca khúc của Trịnh Công Sơn trong phim Em và Trịnh hay Sự thật vỡ đôi - phim Tiệc trăng máu...
Ca khúc "Có chàng trai viết lên cây" của bộ phim "Mắt biếc" đã trở thành "hít" của Phan Mạnh Quỳnh và sở hữu tới 55 triệu lượt views. Ảnh: ĐPCC |
Ngoài số ít những nghệ sĩ đã nổi tiếng nhiều năm rồi rẽ ngang làm nhạc phim, có thể nói, phim ảnh đã trở thành bệ phóng hữu hiệu giúp khá nhiều tên tuổi nhạc sĩ-ca sĩ nhanh chóng định danh, nhanh chóng chiếm được tình yêu của khán giả. Họ đã cùng với những ca khúc bước ra khỏi bóng rợp của bộ phim để tiếp tục nối dài vòng đời độc lập ngoài khuôn hình, để lan tỏa trên sân khấu, để xuất hiện trong những sản phẩm âm nhạc nhiều định dạng. Với lực lượng hùng hậu, những ca khúc chất lượng đã đóng góp đáng kể và giúp nâng tầm đời sống âm nhạc Việt Nam. Bức tranh toàn cảnh ngành công nghiệp giải trí, nhờ thế mà cũng có thêm một mảng màu tươi sáng, bắt mắt.
Sau những bài hát nâng bước cho phim, nhạc sĩ có danh tiếng, ca sĩ có “bài đinh” để biểu diễn, công chúng có sản phẩm gần gũi và yêu thích để thưởng thức, bộ phim có dấu ấn đậm nét để neo lại trong trái tim người xem. Tất cả đều vui, tất cả đều được hưởng lợi!