Những bí kíp để... chơi bóng!

Khi bóng đá ngày càng phát triển, những công cụ hỗ trợ, nghiên cứu trở nên… tinh vi và đầy chất công nghệ. Để một cầu thủ chơi được bóng không đơn giản như những gì chúng ta biết. Phía sau những bước chân trên thảm cỏ là những câu chuyện, những cách tập luyện mà với nhiều người có trí tưởng tượng phong phú cũng khó nghĩ ra.
0:00 / 0:00
0:00
Lewandowski được vợ là bác sĩ khoa học thể thao áp dụng những bài tập lạ lùng. Ảnh trong bài | getty
Lewandowski được vợ là bác sĩ khoa học thể thao áp dụng những bài tập lạ lùng. Ảnh trong bài | getty

1 Bóng đá và công nghệ là câu chuyện quá bình thường, cũ kỹ và được nhắc đến rất nhiều trong hàng thập kỷ qua. Nào là cái đệm ngủ có khả năng hỗ trợ hồi phục có giá cả trăm nghìn euro, chiếc máy trị liệu xung điện cả triệu euro, hay bộ vi xử lý thông số thể chất, chuyên môn, thậm chí cả máy phân tích sóng não, nghiên cứu khả năng phán đoán, thời gian quyết định đưa ra một cú chạm bóng… Tất cả tạo nên một hệ thống hỗ trợ siêu cấp dành cho cầu thủ bóng đá. Nhưng bên cạnh đó, còn có những cách mà các cầu thủ tập luyện rất... khác biệt, từ thói quen đến cách họ rèn giũa hằng ngày.

Có đầy đủ thiết bị tập luyện, bác sĩ riêng, nhưng suốt hàng chục năm qua, C.Ronaldo vẫn giữ thói quen tập cơ bụng bằng cách gập bụng thông thường. Thời mới sang Man Utd, anh từng tiết lộ có ngày gập bụng 2.000 đến 3.000 lần. Và đó dường như là một thói quen, thú vui của một ngôi sao lớn. Sự hà khắc của bóng đá đỉnh cao không chừa một ai, bởi vậy mới có chuyện, hầu hết những ngôi sao sau khi giải nghệ, chỉ một thời gian ngắn, họ đã... phát phì đến mức không thể kiểm soát. Hay như một cầu thủ đương đại như E.Hazard, chỉ nghỉ để điều trị chấn thương thôi cũng béo lên cả chục cân. Vì thế, việc tập luyện thường xuyên là yếu tố bắt buộc. Và thậm chí, họ không chỉ tập luyện thông thường mà còn có cả những cách… tập luyện nâng cao khó tin.

2 Dayot Upamecano, một trong những nhân vật chủ chốt của đội tuyển Pháp trong hành trình tại World Cup 2022, trụ cột của Bayern Munich là một người to con, nhưng anh chạy thì chẳng kém Mbappe là mấy. Vận tốc cao nhất Upamecano từng đạt được lên tới 36,2km/h, chỉ kém Mbappe chút đỉnh (36,7km/h). Ngoài việc tăng dần tốc độ chạy như bài tập hằng ngày, Upamecano còn phải tập... nói. Sở dĩ vậy vì trung vệ này vốn bị tật nói lắp khi còn nhỏ. Và để kết nối, chỉ đạo liên tục và nhanh chóng với đồng đội trên sân, Upamecano không thể ú ớ, anh đã phải nhờ giáo viên luyện giọng nói để vượt qua nỗi khổ nói lắp. Sau đó, Upamecano còn bổ sung thêm khả năng... hát Opera khi mời hẳn giáo viên thanh nhạc về dạy. Không phải Upamecano thích hát mà để chấm dứt tật ở giọng nói, đồng thời giúp khả năng điều hòa hơi thở, giữ thể lực từ việc lấy hơi, khi tăng tốc, va chạm và cả khả năng... hò hét chỉ huy hàng thủ, nhiệm vụ thiết yếu của một trung vệ.

Thông thường, các cầu thủ phải kiêng khem rất nhiều, từ bánh trái, pizza, pasta, chất béo... Nhưng Haaland thì khác. Anh ăn rất nhiều, đến mức đồng đội ở Dortmund trước đây và Man City hiện tại nói rằng, Haaland thường ăn một núi thức ăn mỗi bữa. Bù lại, Haaland tập luyện với cường độ gấp đôi đồng đội, đến mức huấn luyện viên (HLV) còn phải yêu cầu Haaland dừng tập luyện sợ anh chấn thương, kiệt sức. Khi mới đến Dortmund, Haaland được yêu cầu tăng lượng cơ bắp. Và trong vòng 15 tháng, Haaland tăng 12kg cơ bắp, rồi trở thành một gã khổng lồ thực sự, với sức càn lướt đáng sợ. Haaland còn có một phương pháp tập độc nhất là... thiền hằng ngày và thường xuyên sử dụng kính ánh sáng xanh, đeo đến lúc đi ngủ và giúp anh bảo đảm được khả năng quan sát và ngủ ngon hơn.

Những bí kíp để... chơi bóng! ảnh 1

Haaland ăn rất nhiều nhưng tập luyện với cường độ gấp đôi đồng đội.

Không chỉ cầu thủ, các HLV cũng hay có những kiểu huấn luyện oái oăm, độc đáo và thường những HLV như thế lại hay... thành công. Thí dụ như HLV Tuchel, khi đến Chelsea, ông bắt cầu thủ tập với bóng nhỏ hơn bình thường, rồi hai tay cầm hai quả bóng tennis để bỏ thói quen phạm lỗi. HLV Negelsmann của Bayern thì còn sáng tạo ngay từ khi làm HLV chuyên nghiệp với rất nhiều chiêu bài độc. Ông từng cho lắp đặt một màn hình khổng lồ ngay tại sân tập, sử dụng flycam, hay cho xây một tháp theo dõi cao để ông lên đó đứng chỉ đạo, điều chỉnh chiến thuật, kiểm soát cự ly đội hình. Và chính bản thân Negelsmann cũng tự tạo khác biệt khi thường xuyên đến sân tập bằng... ván trượt hoặc xe scooter điện. Những thứ đó không quá đắt đỏ, thậm chí rẻ tiền, nhưng lại tạo ra hiệu quả, sự hưng phấn và thu được mục đích mà họ cần.

Lewandowski, một tiền đạo đẳng cấp số 1 thế giới hiện tại còn được vợ, một vận động viên từng đoạt Huy chương đồng karate thế giới, nay là bác sĩ khoa học thể thao áp dụng cho những bài tập khắc nghiệt, lạ lùng. Mỗi ngày ngoài hai tiếng tập cơ bắp, Lewandowski còn phải cách ly hoàn toàn với đồ điện tử vào buổi tối, không wifi, không internet, không điện thoại, không ti-vi. Chân sút người Ba Lan phải ở trong phòng riêng và đi ngủ từ 22 giờ với nhiệt độ luôn ở ngưỡng 21-22 độ, ánh sáng xanh, hoàn toàn không có gì ngoài chiếc giường, cái tủ và cây đèn đầu giường. Và khi ngủ, Lewandowski còn phải nằm nghiêng bên phải hoặc trái tùy ngày đó tập luyện chủ yếu... chân nào và chân bên nào mỏi hơn, cần thư giãn. Bởi theo cô vợ thì để tăng cường sức mạnh chân phải, anh phải ngủ nghiêng trái và ngược lại.

3 Không phủ nhận công nghệ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của bóng đá hiện đại. Thậm chí nó tạo nên những điều không tưởng trong việc xác định tiềm năng, phong độ, phân tích dữ liệu chuyên môn, giúp nâng cao chất lượng thi đấu, tránh chấn thương. Nhưng dù công nghệ có phát triển đến đâu thì việc mỗi cầu thủ tự nghiên cứu, tìm tòi và tự hoàn thiện mình bằng những cách riêng vẫn là điều tối quan trọng.

Có thể đó là việc tạo ra những thói quen, nhưng cũng có thể là tinh chỉnh những dấu hiệu sinh học, hoặc những hoạt động nghe qua rất... không liên quan đến bóng đá. Nhưng khi ở tầm cỡ thế giới, mọi thói quen, mọi hoạt động hằng ngày dù nhỏ nhất cũng sẽ đều ảnh hưởng, tác động đến mỗi nhịp chân khi họ bước trên sân cỏ.