Như lời ca vang mãi, từ bên kia địa cầu...

Đại sứ Nicaragua tại Việt Nam - ông Mario José Armengol Campos ngồi trên tầng hai một quán cà-phê trong khu phố cổ Hà Nội, đưa mắt nhìn xuống đường qua ô cửa kính. Phố phường tối thứ sáu đông đúc, tấp nập.
Đại sứ Mario Armengol (bên trái) và tác giả.
Đại sứ Mario Armengol (bên trái) và tác giả.

1 Đại sứ chăm chú nhìn xuống, rồi lại nhìn lên, không nói, nhưng có gì đó nhẹ nhõm hiện rõ lên khuôn mặt. Trên bầu trời, mây đen ùn đến, báo hiệu cơn giông, nhưng ông vẫn tỏ ra hết sức thoải mái, chân bắt chéo, lưng ngả hẳn ra, đầu tựa lên thành ghế. Hà Nội với ông ẩn chứa vô số điều thú vị, kể cả trong mùa nắng, mùa nồm ẩm, hay mùa mưa. Hà Nội là văn hóa "đi cà-phê" của giới trẻ. Ông chỉ vừa "quen biết" Hà Nội, nhưng đã có những ấn tượng khó phai.

Đại sứ Mario Armengol năm nay 30 tuổi. Một người cao lớn, đầy năng lượng, hay cười và vui tính, sinh ra ở một vùng quê tại Juigalpa, tỉnh Chontales, Nicaragua, quê hương của vị Tướng quân Augusto C.Sandino và nhà thơ Rubén Darío. Những năm 90 của thế kỷ trước, với Đại sứ, là thời kỳ khó khăn của quốc gia Trung Mỹ ấy. Cha ông là thợ cơ khí, còn mẹ ông ở nhà nội trợ, tận tâm chăm sóc con cái. Trong thời gian làm việc tại Công ty Lúa gạo nhà nước, cha ông luôn nhắc đến nông nghiệp Việt Nam với sự ngưỡng mộ.

Thời nhỏ, ông Mario Armengol hay được nghe cha kể những câu chuyện về Cách mạng Sandino trong nước, cũng như Cách mạng Việt Nam và Cuba. Hồi đó, dù chưa hiểu được nhiều, song Đại sứ cảm nhận: Việt Nam dường như là một xứ sở rất quan trọng. Mãi sau này, ông mới thấm thía hết ý nghĩa của những câu chuyện ấy.

2 Vào những năm 2000, đảng Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino đã rất nỗ lực để giành lại chiến thắng ở cuộc bầu cử trong nước. Niềm hy vọng về tương lai được "thắp sáng" trong các gia đình Nicaragua, và nguồn năng lượng mang tên "Cách mạng Sandino" lại càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết, sau khi Tổng Tư lệnh Daniel Ortega đắc cử Tổng thống Nicaragua vào năm 2006.

Hòa chung bầu không khí rộn ràng đó, bố ông không thể dừng nghe những bản nhạc cách mạng. Chính vì vậy, những bài hát của Silvio Rodríguez, Victor Jara, Mercedes Soza... cùng những nhạc sĩ cách mạng khác trở thành giai điệu quen thuộc trong gia đình ông. Với Đại sứ Mario Armengol, đó cũng chính là cách gia đình ông thể hiện tình cảm với chủ nghĩa xã hội.

Lớn thêm, Đại sứ tìm nghe rất nhiều ca khúc có nhắc tới Việt Nam qua sáng tác của Silvio Rodriguez, hay nhạc sĩ người Cuba Carlos Puebla, và cả những bản ballad của tác giả người Venezuela Alí Primera. Nhưng bài hát nhắc đến dân tộc Việt Nam anh hùng mà ông thích nhất, như ông bộc bạch, phải là ca khúc "Quyền được sống trong hòa bình" của Victor Jara, với âm hưởng tới bây giờ vẫn khiến ông xúc động mỗi khi vang lên.

Cũng trong khoảng thời gian đó, ông đã dần hiểu hơn những câu chuyện được nghe năm xưa: "Tinh thần đấu tranh anh dũng và tình đoàn kết của người Việt Nam vang danh khắp năm châu đã truyền cảm hứng cho Phong trào Sandino ở Nicaragua, và cũng để lại những kinh nghiệm chiến thuật đáng giá cho quân đội Nicaragua non trẻ".

Năm 2010, Mario Armengol vào Đại học, chuyên ngành Ngoại giao và Khoa học chính trị. Ông được kết nạp vào đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino, tham gia phong trào sinh viên, rồi được đào tạo chính trị qua các lớp bồi dưỡng. Ông có thêm cơ hội tìm hiểu về lịch sử Việt Nam từ nhiều nguồn tài liệu, như sách, video, phim ảnh.

Qua đó, ông hiểu rõ hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh, mô hình quản lý, cách xây dựng bộ máy chính trị của Người, quá trình xây dựng phát triển cách mạng, kinh tế-xã hội để có ngày 2/9/1945 lịch sử, với bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và trên hết, là tình hữu nghị lớn lao, bền chặt giữa đảng Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tạm dừng cuộc trò chuyện, Đại sứ bất chợt rút điện thoại ra, mở ca khúc "Quyền được sống trong hòa bình", rồi lắc lư theo giai điệu, miệng ngân nga: "Bác Hồ/Là bài ca của chúng ta. Là ngọn lửa tình yêu trong sáng/ Là chim bồ câu trắng. Là cành ô-liu/ Là tiếng hát của toàn thế giới/ Là chìa khóa mở ra chiến thắng cho quyền sống hòa bình". Đột nhiên, cả góc quán cà-phê rộn ràng "khí thế" hẳn lên…

3 Nhìn từ quá khứ đến hiện tại, Đại sứ Mario Armengol nhận thấy dường như Việt Nam là sợi dây vô hình kết nối các giai đoạn trong cuộc đời ông. "Dải đất hình chữ S anh hùng" ban đầu hiện lên từ những câu chuyện của cha, rồi qua những năm tháng trên ghế nhà trường, để bây giờ, nghĩa là nhiều năm sau, số phận lại đưa ông tới Việt Nam trên cương vị Đại sứ Nicaragua. Với ông, việc được đại diện cho đất nước, người dân Nicaragua tại Việt Nam thật sự là một đặc ân.

Việt Nam có giống những gì mà Đại sứ tưởng tượng không? "Hơn nhiều" - Đại sứ cười, ngụ ý rằng "truyền thông thế giới đáng ra phải làm việc cật lực hơn, hiệu quả hơn nữa khi truyền tải thông tin về đất nước này". Được sống và làm việc tại Việt Nam, là cơ hội để Đại sứ hiểu hơn về "dải đất hình chữ S". Vậy ông ấn tượng gì nhất khi đến Việt Nam? "Việt Nam thật sự đang phát triển rất nhanh, với cơ sở hạ tầng khang trang, văn hóa truyền thống phong phú, và cả sự hiếu khách", câu trả lời bật ra đầy phấn chấn.

Ông không giấu được sự hào hứng, tiếp tục diễn giải: "Việc Việt Nam vẫn liên tục củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng cộng sản, trong khi đạt nhiều tiến bộ trên tiến trình chuyển đổi xã hội và phát triển kinh tế là một sự thật hiển nhiên. Điều này cũng chứng minh cho thế giới thấy: Mô hình quản trị cũng như thể chế nhà nước của Việt Nam đã tạo ra những thay đổi to lớn, mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ quyền và niềm hạnh phúc của người dân được sống trong hòa bình".

Chưa hết, vị Đại sứ trẻ tuổi tâm đắc: "Ngày hôm nay, tôi có thể xác nhận: Tất cả những gì tôi đã nghe và đã học về đất nước và dân tộc Việt Nam anh hùng đều là sự thật. Việt Nam hôm nay đang phát triển một cách sống động, để tiếp tục trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia. Việt Nam là tấm gương anh hùng với cuộc cách mạng lịch sử và mô hình kinh tế-xã hội phát triển. Trên tất cả, niềm hạnh phúc, lòng tốt, sự thân thiện... của người dân Việt Nam lan tỏa khắp nơi. Đó là điều tôi sẽ luôn ghi nhớ và mang theo".

"Tôi sẽ học tiếng Việt, để hiểu Việt Nam hơn và chuyển tải tốt hơn những tình cảm dành cho đất nước của các bạn. Tôi sẽ tự đi xe máy vòng quanh những phố phường Hà Nội. Tôi sẽ để mưa ướt hết áo, và cho phép cả nồm ẩm dính vào người. Tôi muốn được trải nghiệm sống như người Việt!". Và, ông đúc kết: "Làm ở ngành ngoại giao, nếu cuộc đời chỉ bó gọn trong những tòa nhà công vụ, các sự kiện, những buổi tiệc chiêu đãi hay những bộ complet, thì thật uổng phí biết bao!"...