Nhỏ mà không nhỏ

Kinh doanh ẩm thực tại các điểm bán nhỏ gọn, có tính lưu động cao, đã và đang trở thành xu hướng trong thời gian gần đây.
0:00 / 0:00
0:00

Thậm chí những xe đẩy bán bánh mì, các quầy cà-phê nhỏ gọn trên phố có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu bán thức ăn nhanh lớn ở một số phương diện nhất định. Điểm bán bánh mì và các loại nước giải khát có tên The Moving Bread & Coffee nằm trên đường Thân Văn Nhiếp (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), chỉ bày tầm ba chiếc bàn nhỏ cùng chục chiếc ghế, hơn 80% là bán mang đi, dù chỉ hoạt động từ 6 giờ đến 9 giờ sáng mỗi ngày nhưng doanh thu đạt khoảng 3 triệu đồng, tức trung bình mỗi giờ thu về 1 triệu đồng.

Với tỷ suất sinh lời của ngành kinh doanh ăn uống rơi vào khoảng 25-30% doanh thu, thì điểm bán này lãi khoảng 300.000 đồng/ngày và lãi gần chục triệu đồng mỗi tháng. Với chi phí để mở một điểm bán bao gồm chiếc xe lưu động, các dụng cụ chế biến, bàn ghế ban đầu vào khoảng 30 triệu đồng thì chỉ cần hơn ba tháng là có thể thu hồi vốn.

Mô hình của The Moving Bread & Coffee là khá phổ biến hiện nay, từ cách thức tổ chức, chế biến, kinh doanh cho đến vốn đầu tư ban đầu và thời gian hoàn vốn. Chỉ cần có 20-30 triệu đồng, không phải là số tiền quá lớn, phù hợp cho những bạn trẻ, sinh viên muốn khởi nghiệp, thời gian hoàn vốn khoảng ba tháng cũng là rất nhanh, đủ để hấp dẫn người bỏ vốn. CEO Đoàn Thị Anh Thư, nổi tiếng với mô hình khởi nghiệp Vua Cua, mới đây cũng cho biết, chỉ chưa đầy

50 ngày đã mở 25 điểm kinh doanh món bánh canh mang thương hiệu “Vua Bánh Canh”.

Tính cơ động cao nên khi mô hình phát triển thuận lợi có thể nhân rộng trong thời gian rất ngắn, nguồn thu có thể được đẩy lên cao nhờ vào số lượng lớn. So với 5-7 năm trở về trước, nếu có trong tay vài chục triệu đồng (dưới 50 triệu đồng), kể cả có mở hàng quán vỉa hè cũng không hề đơn giản, vì người kinh doanh còn phải tìm tòi cách chế biến món ăn, tốn kém thời gian, chi phí. Vì chỉ cần bán mà đồ ăn, thức uống không ngon thì thậm chí vài tháng đầu đã có thể… dẹp tiệm. Nhưng hiện nay, nhờ vào sự chuẩn hóa các quy trình chế biến, công thức chế biến món ăn có thể chia sẻ với nhau dễ dàng hơn nên các điểm bán mới mở ra có thể hút khách ngay lập tức. Mô hình này về bản chất là nhượng quyền, nhưng vì theo xu hướng nhỏ, gọn nên các thủ tục, quy trình cũng diễn ra rất nhanh.

Nói đến đây sẽ thấy mô hình kinh doanh nhỏ gọn, vốn đầu tư ít, thời gian thu hồi vốn nhanh, có vẻ rất lý tưởng, nhưng tất nhiên cũng sẽ đi kèm theo đó là những thách thức. Theo bà Hứa Thùy Liên, nhà sáng lập The Moving Bread & Coffee, mấu chốt sẽ nằm ở việc kiểm soát chất lượng, và duy trì sự tươi mới cho mô hình. “Việc nhân rộng điểm bán không hề khó, nhưng sẽ khó ở việc kiểm soát được sự đồng bộ giữa các điểm bán. Kinh doanh theo các mô hình nhỏ cũng đồng thời tốn kém về công sức, thời gian đầu nhiệt huyết có thể tạo ra động lực cho mô hình kinh doanh, nhưng theo thời gian nhiệt huyết có thể giảm đi, vì vậy cần những động lực mới, chẳng hạn phải có món ăn mới, phù hợp với xu hướng”, bà Hứa Thùy Liên nhấn mạnh. Còn theo bà Đoàn Thị Anh Thư, trong cả một quá trình phát triển, cần quản trị không chỉ lúc “lên” mà cả khi không thuận lợi, như vậy cần có sự kiên định và lấy yếu tố chất lượng làm ưu tiên trước khi tính đến số lượng.