Nhất quán trong sửa đổi nghị định

Bộ Công thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (Nghị định 95) và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: công thức giá, phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành/công bố giá, mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu…
0:00 / 0:00
0:00

Trở lại thời điểm cuối năm 2022, trong một hội nghị chuyên ngành, một lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) từng có phát biểu khiến dư luận dậy sóng khi cho rằng, việc kinh doanh xăng dầu gặp vô vàn khó khăn là bởi bắt đầu từ năm 2020, thị trường xăng dầu thế giới và Việt Nam có những biến động phức tạp. Tuy nhiên, khi soi kỹ vào những diễn biến của thị trường, ý kiến của vị lãnh đạo trên mới chỉ đúng một nửa của vấn đề.

Mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng thị trường có những thời điểm hết sức khó khăn, thậm chí còn thường trực nỗi lo thiếu hụt nguồn hàng, có thể thấy, những nguyên nhân khách quan mà ngành chức năng đưa ra như "thiếu nguồn cung", "doanh nghiệp bán lẻ găm hàng"... không phải là điểm cốt yếu. Thực tế chứng minh, chính những quy định của luật pháp, cụ thể là Nghị định 95 và Nghị định 83 đã bị lỗi thời, tồn tại nhiều bất cập đã làm khó cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Vậy nên, có tăng cường bắt lỗi xử phạt các thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ cũng không giải quyết rốt ráo được vấn đề.

Thế nhưng, sửa đổi nghị định cần phải được tiến hành như thế nào, mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường, việc điều hành giá ở mức nào để dung hòa được quyền lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất và nền kinh tế… vẫn đang được tranh luận sôi nổi. Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước đây, quá trình sửa đổi Nghị định 83 và ban hành Nghị định 95 đã mất đến hai năm rưỡi, có sự đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Cho đến nay, tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định đều là những vấn đề từng đặt ra.

Vậy nên, trong lần này, giới chuyên gia nhấn mạnh, việc soạn thảo dự thảo nghị định cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. Việc các cơ quan quản lý xử lý nghiêm tình trạng cây xăng đóng cửa chỉ đóng vai trò giải pháp tình thế, mấu chốt vẫn là giải quyết bài toán chi phí, thuế, tiến tới là thị trường. "Mệnh lệnh hành chính có thể không phát huy hiệu quả bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững hơn", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị.

Do tính chất nhạy cảm của mặt hàng xăng dầu, nên trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành luôn phải bảo đảm mục tiêu đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời bảo đảm giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI. Vì thế câu chuyện quản lý luôn đặt ra bài toán cạnh tranh và thị trường, tính toán nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp một cách hài hòa. Chính sự hài hòa và minh bạch sẽ quyết định việc bảo đảm cho thị trường xăng dầu ổn định, từ đó an ninh năng lượng được bảo đảm.