Từ đánh tráo khái niệm...
Gần đây trong đời sống văn học xuất hiện một số ý kiến cổ vũ, khẳng định rằng giải thiêng và giải cấu trúc như là một trong những biểu hiện của cá tính, bản lĩnh sáng tạo và là bằng chứng đổi mới tư duy văn học, là "trò chơi tự do" của văn học. Thực tế không phải như vậy. Hai vấn đề giải thiêng và giải cấu trúc đang bị cố tình diễn giải sai lệch, với những ý đồ phi học thuật, phi chính trị và văn hóa.
Giải cấu trúc là một khái niệm của phê bình văn học hiện đại. Ở đó nhà phê bình đặt ra nhiệm vụ học thuật là đọc kỹ văn bản, tháo gỡ các mâu thuẫn logic nội tại, các cặp đối lập nhị phân trong văn bản, chỉ ra những nghĩa bị còn sót lại, nghĩa bị che giấu trong những khuôn mẫu nói năng, những điều văn bản không được nói và buộc phải nói. Xu hướng nổi bật hiện nay là giải cấu trúc các cặp nhị phân nam - nữ, tự nhiên - văn hóa, đàn ông - đàn bà, ngoại vi - trung tâm,... mà biểu hiện gây ồn ào của nó là phê bình văn học nữ quyền, một phương pháp đang được nhiều người làm phê bình vận dụng đọc các văn bản của nhà văn nữ.
... đến sự lệch chuẩn
Vấn đề đáng nói ở chỗ, phê bình giải cấu trúc được nhiều người sử dụng để tấn công vào giá trị văn hóa truyền thống, chống sự kiểm duyệt và biên tập về tư tưởng, sự kiểm soát ý thức cá nhân của ý thức hệ đương thời, sự chi phối của các đại tự sự đang thống trị, chống lại tất cả những gì đang ngự trị để mở ra những thế giới mới, tri thức mới, nhận thức mới. Nhiều người nhân danh giải cấu trúc đòi phá bỏ trung tâm, xóa bỏ các khuôn mẫu, nguyên tắc, chuẩn mực đã được xây dựng và duy trì từ lâu bởi một cộng đồng văn hóa xã hội nhất định; họ ủng hộ sự hỗn loạn, mất ổn định, sự lựa chọn chỗ đứng bên lề của người cầm bút, xem đó như là sự tự do, dân chủ thực sự. Giải cấu trúc đang bị lược quy và đồng nhất với sự xóa bỏ, chẳng hạn xóa bỏ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ các khái niệm, thuật ngữ công cụ trong lý thuyết văn học cũ, xóa bỏ các hệ tư tưởng thống trị trong văn hóa và văn học, xóa bỏ lý tính, chân lý, phê phán sự phục tùng logic nam tính/ văn hóa nam giới/ quyền lực thống trị của đàn ông,... Nói chung là nhận thức lại, xét lại tất cả, xóa bỏ những gì đang độc tôn ngự trị.
Giải thiêng là sự xóa bỏ tính chất thiêng liêng của một đối tượng nào đó, là làm cho hình tượng nào đó mất đi tính chất huyền thoại, sự trang nghiêm; làm mất đi giá trị, tư cách thần tượng, tính kiểu mẫu của đối tượng, khiến cho người ta không còn nể sợ, ngưỡng mộ, sùng bái, tin tưởng "đi theo" đối tượng đó nữa. Giải thiêng đi liền với hạ bệ, giải thiêng bằng cách hạ bệ, giải thiêng để lật đổ địa vị văn hóa xã hội, lịch sử của hình tượng/ đối tượng nào đó, khiến cho nó bật ra khỏi niềm tin, tâm thức của người khác.
Giải thiêng có thể được thực hiện bằng cách giễu nhại, xuyên tạc. Điều đáng lo ngại ở chỗ, hiện nay một số người cầm bút lợi dụng tự do dân chủ, nhân danh lịch sử, sự thật, đổi mới, kêu gọi giải thiêng, phủ định các biểu tượng văn hóa của cộng đồng, giễu nhại danh nhân, hạ bệ anh hùng dân tộc và đáng tiếc là cũng đã có những nhà nghiên cứu phê bình vội vã ủng hộ sự hạ bệ giải thiêng đầy ắp động cơ chính trị, mà không biết rằng điều đó đã góp phần làm xói mòn những giá trị tinh thần cao đẹp, đánh mất lòng tự tôn, tự hào dân tộc, coi nhẹ giá trị nhân văn cốt lõi của sáng tạo văn chương nghệ thuật.
Quan sát thực tiễn sáng tạo, nhà văn Vũ Hạnh chỉ rõ: "Từ sau ngày giải phóng đến nay, đã có những người mượn các đề tài lịch sử để bôi nhọ danh nhân, anh hùng dân tộc với ý đồ phá hoại thâm hiểm". Vấn đề đáng nói còn ở chỗ, hành động giải thiêng đó diễn ra trong bối cảnh có "suy tư tưởngnghiêm trọng", niềm tin nhân dân giảm sút, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền suy thoái, quản lý nhà nước cũng có chỗ có "vấn đề", lối sống vô cảm, ích kỷ, thiếu lý tưởng, thiếu trách nhiệm với cộng đồng đang phổ biến... khiến cho việc phê phán những trang văn bóp méo lịch sử, xuyên tạc sự thật ngày càng phức tạp, khó khăn. Do vậy hơn lúc nào hết, người đọc hiện nay cần là người đọc thông thái, biết lựa chọn cái gì đáng đọc, không nên mất thì giờ vào các câu chuyện bịa đặt, hoặc hoang mang trước những cách viết "lộn trái, nói ngược", cần tỉnh táo để không bị lợi dụng cổ vũ cho sự giải thiêng, giải trung tâm, có thái độ lên án nghiêm khắc những cây bút có động cơ không lành mạnh, thiếu nhân văn.
Lương tâm ngòi bút
Người viết chân chính bao giờ cũng hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ. Một tác phẩm lớn, có giá trị phổ quát phải là nơi quy tụ những tâm hồn, đáp ứng nhu cầu mở rộng biên độ mỹ học, phụng sự nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Ban-dắc nói: "Những tác phẩm lớn tồn tại vì khía cạnh đam mê của chúng", vì những cảm xúc mỹ học đẹp đẽ mà chúng gợi lên. Nhà báo Hà Đăng cho rằng, viết về lịch sử mà giải thiêng "xuyên tạc, bôi nhọ để cho ai đó đọc cảm thấy hổ thẹn về lịch sử, về dân tộc mình... thì đó quả là một sự nhục mạ, một sự phản bội không thể tha thứ". Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, có một nguyên tắc mà tất cả các nhà văn viết về đề tài lịch sử phải tuân thủ, "đó là tôn trọng chân lý lịch sử, không vì một lý do cá nhân nào mà xuyên tạc, bóp méo lịch sử, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ hình ảnh những anh hùng lịch sử đã được cả dân tộc tôn vinh". Đồng tình với quan điểm này, nhà phê bình Phan Trọng Thưởng nhấn mạnh "mượn cớ bịa đặt, xuyên tạc lịch sử hay minh họa, nhại lại lịch sử đều không phải là mục đích của nghệ thuật".
Giải thiêng khác với giải cấu trúc. Thế nhưng nhiều người vẫn cố tình đánh tráo, nhập hai vấn đề đó vào nhau vì những động cơ cá nhân. Giải cấu trúc và giải thiêng một cách lệch lạc là nguồn gốc của vấn đề loạn chuẩn, lệch chuẩn hiện nay. Để kết thúc bài này, chúng tôi xin nhắc lại ý kiến đáng suy ngẫm của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân về một căn bệnh, một hiện tượng méo mó trong đời sống văn học hiện nay. Theo Nguyễn Văn Dân: "Nhận thức lại là một quy luật phổ biến và là một việc làm thông thường của bất cứ thời đại nào. Đó là một quy luật nhận thức dựa vào cơ sở lịch sử xã hội, hoàn toàn không liên quan gì đến giải cấu trúc. Thế nhưng nhiều người vẫn nghĩ khi có ai đó "giải thiêng" một hình tượng thì tức là người đó đang "giải cấu trúc". Đó là một ngộ nhận trong tiếp thu lý thuyết nước ngoài và là một sự bất cẩn trong nghiên cứu và đánh giá văn học".
Hơn lúc nào hết, người đọc hiện nay cần thông thái, biết lựa chọn cái gì đáng đọc, không nên mất thì giờ vào các câu chuyện bịa đặt, hoặc hoang mang trước những cách viết "lộn trái, nói ngược", cần tỉnh táo để không bị lợi dụng cổ vũ cho sự giải thiêng, giải trung tâm, có thái độ lên án nghiêm khắc những cây bút có động cơ không lành mạnh, thiếu nhân văn.
Người viết chân chính bao giờ cũng hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ. Một tác phẩm lớn, có giá trị phổ quát phải là nơi quy tụ những tâm hồn, đáp ứng nhu cầu mở rộng biên độ mỹ học, phụng sự nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.