Nhận diện đầy đủ những tồn tại, hạn chế

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế) cơ bản tán thành Báo cáo số 232/BC-CP ngày 17/5/2023 của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022. Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế cũng đã thẳng thắn chỉ ra không ít hạn chế, tồn tại tác động tới sự phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00

Căn cứ vào thu ngân sách nhà nước năm 2022 vượt 403,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 28,6%) so dự toán, Ủy ban Kinh tế cho rằng, điều này phản ánh việc xây dựng dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và ảnh hưởng đến dự toán thu của năm tiếp theo. Đây là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng chất lượng thu ngân sách nhà nước còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất (vượt gần 55% so dự toán), dầu thô (vượt gần 177% so dự toán), xổ số kiến thiết (vượt hơn 18% so dự toán). Việc quá chú trọng kiềm chế lạm phát, chưa tính toán tận dụng thời cơ để điều chỉnh giá một số dịch vụ công nhằm giảm áp lực lạm phát trong năm 2023; đồng thời cũng là nguyên nhân khiến lãi suất cao trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm. Nền kinh tế trong tình trạng thiếu thanh khoản trong khi số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng thấp, lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý, thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ…

Dẫn khảo sát năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (79,4%) tiếp đến là "các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân" (58,7%); "thủ tục vay vốn phiền hà" (58,6%); tình trạng "doanh nghiệp phải "bồi dưỡng" cho cán bộ tín dụng để vay vốn" (55,8%) và "cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp" (49,8%),… Số liệu này cho thấy, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn có những hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua là do tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và chính những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm. Đặc biệt là những hạn chế, bất cập, yếu kém về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất trong nước, thị trường tài chính-tiền tệ bộc lộ rõ hơn khi gặp khó khăn. Công tác dự báo chưa sát, vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, quyết liệt, có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao...

Với tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp, cùng với các chỉ báo kinh tế như xuất-nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, đầu tư… kém tích cực, Ủy ban Kinh tế nhận định khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay đối diện nhiều thách thức. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội để có giải pháp khắc phục hữu hiệu.