Chủ trương sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập là một trong những vấn đề được Chính phủ quan tâm từ nhiều năm nay, với dấu mốc chính thức đầu tiên là việc ban hành Nghị quyết số 90-CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa (được thông qua tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, tháng 3/1997).
Liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, Nghị quyết đã nêu rất cụ thể: "Sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật được ngân sách nhà nước tài trợ theo hướng: ở trung ương tập trung xây dựng các đoàn nghệ thuật tiêu biểu (như Tuồng, Chèo, Cải lương, Xiếc, Kịch nói, Ca múa nhạc dân tộc, Giao hưởng, Ba lê, Múa rối...); ở địa phương chỉ duy trì những đơn vị tiêu biểu cho truyền thống nghệ thuật của địa phương. Cho phép một số đoàn nghệ thuật mang tính gia đình, tư nhân hoặc tập thể được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, có sự quản lý của Nhà nước về nội dung và chất lượng nghệ thuật".
Bảy năm sau, tinh thần của Nghị quyết số 90-CP được tiếp tục thể hiện trong Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 1456/QĐ-TTg, ngày 19/8/2014). Tại Mục I, quan điểm của Quy hoạch ghi rõ: "Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động nghệ thuật biểu diễn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực nghệ thuật biểu diễn theo quy định của pháp luật"; Tại Mục II, mục tiêu nhấn mạnh: "Tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật công lập, theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nghệ thuật biểu diễn theo quy định của pháp luật...".
Theo Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 thì "mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương duy trì một nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu của địa phương (nếu có). Các nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật khác hợp nhất với trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thông tin hoặc nhà văn hóa cấp tỉnh... thành một đầu mối hoặc chuyển sang hình thức ngoài công lập".
Sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn các đơn vị nghệ thuật biểu diễn để nâng cao hiệu quả hoạt động là cần thiết. Tuy nhiên, bất cập đang xảy ra ở địa phương là tình trạng "nghiệp dư hóa" nghệ thuật chuyên nghiệp khi sáp nhập các đoàn nghệ thuật thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau vào một đơn vị. Bởi vì mỗi loại hình nghệ thuật có những đặc trưng nghệ thuật riêng; người diễn viên có thể rất giỏi ở bộ môn nghệ thuật này mà không thể làm diễn viên của bộ môn nghệ thuật khác. Tình trạng sáp nhập đơn vị nghệ thuật tuồng với chèo, hay nghệ thuật sân khấu kịch hát với kịch nói, hay kịch nói với ca múa nhạc cần phải được rà soát, tính toán lại. Chưa kể việc sáp nhập như vậy làm đảo lộn hoạt động của một loạt đơn vị nghệ thuật, dẫn đến xáo trộn đời sống của nghệ sĩ và các bộ phận liên quan. Đây là một cuộc "ép duyên" cả đối với nghệ thuật lẫn đối với người nghệ sĩ, chắc chắn không thể sinh ra những "đứa con" khỏe mạnh, đẹp đẽ được.
Việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cấp tỉnh, thành phố vào trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố cũng bộc lộ bất cập. Hai bộ phận này vốn không cùng một lĩnh vực, có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Xét về mặt nghệ thuật cũng ở trình độ chuyên môn khác nhau, một bên là chuyên nghiệp (nhà hát/đoàn nghệ thuật), còn bên kia là hoạt động phong trào quần chúng, họ có nghiệp vụ chuyên môn rất khác nhau.
Theo tôi, việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật ở các địa phương theo kiểu cơ học cứng nhắc như hiện nay dẫn tới cái được thì ít mà cái mất là lớn và sẽ để lại hệ lụy lâu dài, thậm chí sẽ làm bào mòn và rơi rụng mất những giá trị đặc sắc của các loại hình nghệ thuật dân tộc.