“Lợi ích nhóm” kìm hãm sự phát triển của đất nước
Xin ông cho biết thêm về tác phẩm vừa đoạt Giải A Giải Báo chí Quốc gia của ông?
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh chống “lợi ích nhóm”. Bởi vì, “lợi ích nhóm” (theo nghĩa tiêu cực) sẽ làm cho sự phát triển của đất nước và lợi ích quốc gia, dân tộc suy yếu và tổn thất nghiêm trọng; nhân dân bị tước đoạt quyền lực và lợi ích; thành quả cách mạng và chế độ chính trị - xã hội không được bảo vệ, dẫn đến đổ vỡ.
Tôi thấy đó là vấn đề đáng lo ngại nhất đối với đất nước mình trong giai đoạn hiện nay. Tôi không phải tự nhiên áp đặt mối lo này mà đó là vấn đề khoa học. “Lợi ích nhóm” (theo nghĩa tiêu cực) thì mâu thuẫn, gây hại cho cộng đồng, làm suy yếu và gây tổn thất nghiêm trọng đối với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. “Lợi ích nhóm” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các “nhóm lợi ích”. Đặc điểm của các “nhóm lợi ích” là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội. “Lợi ích nhóm” kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm mất niềm tin của dân chúng, làm chệch hướng khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính sang “chủ nghĩa tư bản (CNTB) thân hữu”... Vì thế tôi nghiên cứu viết bài này để góp thêm một tiếng nói. Tôi xin nói thêm: “CNTB thân hữu” là một sự biến tướng, dị dạng, tha hóa trong quá trình phát triển không lành mạnh của các quốc gia. Nó không phải là một giai đoạn phát triển nào của CNTB. Ngay cả trong thế giới tư bản người ta cũng rất lo sợ nguy cơ này, vì nó tàn phá quốc gia và xã hội. Tôi thấy nguy cơ “lợi ích nhóm” bao trùm tất cả các nguy cơ khác (tụt hậu, chệch hướng, tham nhũng...).
Ông có thể nói rõ hơn về nguy cơ này?
Tôi cho rằng nếu chệch hướng thì chỉ có chệch sang “CNTB thân hữu” vì không thể trở về thời kỳ phong kiến (trình độ phát triển của đất nước đã vượt qua rồi), cũng không thể chệch sang CNTB văn minh (vì trình độ phát triển chưa đến). Nếu chệch hướng sang con đường “CNTB thân hữu” thì đó là con đường không có tiền đồ và rất nguy hiểm, không có tự do và dân chủ (vì bị “nhóm lợi ích” độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn), để lại hậu quả lâu dài mà dân tộc phải gánh chịu. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của các giá trị nhân cách thì “nhóm lợi ích” lại thúc đẩy đồng tiền cộng với quyền lực chiếm địa vị thống trị. Thực chất “nhóm lợi ích” là đồng tiền (tư bản) chi phối quyền lực, trực tiếp tham gia giành và chiếm giữ quyền lực, làm cho quyền lực không còn là của nhân dân, cũng có nghĩa là chệch khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa (chân chính). Hầu hết các nước bị “bẫy thu nhập trung bình” kéo dài nhiều thập niên, thậm chí kéo dài hàng thế kỷ, loay hoay mãi, lùng bùng mãi, không làm sao thoát ra được để trở thành một quốc gia phát triển là do “lợi ích nhóm” - nguyên nhân trực tiếp và hàng đầu.
“CNTB thân hữu” là nguyên nhân khiến đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa suy đồi. Khi “nhóm lợi ích” hoành hành thì có sức tàn phá ghê gớm nhất vì lúc bấy giờ vừa là mặt trái của cơ chế thị trường, vừa là mặt trái của tư tưởng phong kiến, vừa là mặt trái của tha hóa quyền lực, cộng hưởng với nhau, tàn phá dữ dội nhất đối với văn hóa và đạo đức xã hội. Không thể xây dựng đạo đức xã hội được nếu như ở trong xã hội có sự tha hóa theo kiểu “lợi ích nhóm”. Toàn bộ sức đề kháng của xã hội giảm sút, toàn bộ sức đề kháng của quốc gia dân tộc giảm sút, ngoại bang nhân cơ hội đó tấn công chúng ta vì bên trong đã suy yếu, đã mất lòng tin nghiêm trọng - tức là nền tảng chính trị bị phá vỡ.
Tình hình “lợi ích nhóm” đã khá nghiêm trọng
Theo ông, những biểu hiện của “lợi ích nhóm” và “CNTB thân hữu” là gì?
Biểu hiện của lợi ích nhóm trong thực tế rất nhiều và đa dạng. Lợi ích nhóm có thể len lỏi vào các lĩnh vực như lập và triển khai các dự án, quản lý đất đai, trong đấu thầu, phân bổ nguồn lực, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ, chính sách thuế “lợi ích nhóm” đều có thể len lỏi vào các lĩnh vực. Ngay cả vấn đề đi thu đất của nông dân, phát cho một số doanh nghiệp làm dự án đô thị... cũng có liên quan đến “lợi ích nhóm”. Một số chủ trương nội địa hóa, công nghiệp hóa ngành này ngành kia mà không thực hiện được vì trong đó có lợi ích nhóm. Hễ lợi ích nhóm gia nhập thì rất khó làm. Bổ nhiệm con cái vào chức này chức kia là biểu hiện của “lợi ích nhóm”. Việc chạy chức chạy quyền cũng có “lợi ích nhóm”. Nếu hỏi bằng chứng đâu đưa ra để xử lý thì đó là bắt bí nhau, cán bộ, đảng viên và nhân dân rất nhiều người đã biết, đã nhìn thấy.
Tình hình “nhóm lợi ích” ở Việt Nam đã đến mức độ nào? đang và sẽ đi về đâu? Tuy chưa có các công trình nghiên cứu cấp quốc gia một cách thật đầy đủ và khoa học về “lợi ích nhóm ở Việt Nam”, nhưng qua thông tin, qua dư luận xã hội, qua nghiên cứu của một số chuyên gia và cảm nhận của nhiều người, thì tình hình “lợi ích nhóm” đã khá nghiêm trọng, tương đối phổ biến, ở cấp nào cũng có, ở lĩnh vực nào cũng có, kể cả ở những nơi mà xưa nay trong tiềm thức xã hội thường cho rằng đó là nơi luôn trang nghiêm, trong sạch. “Lợi ích nhóm” cũng chính là một kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất, tham nhũng có tổ chức, tham nhũng chính sách, tham nhũng quyền lực (ghế).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo đầu tiên công khai phê phán vấn đề này. Tổng Bí thư nhận thấy nguy cơ của “lợi ích nhóm”. Tôi cho rằng Tổng Bí thư thấy và nói ra được vấn đề này là rất quý. Lúc này, hơn lúc nào hết, các cấp ủy và toàn Đảng phải nhận thức rõ nguy cơ và quyết tâm bảo vệ quyền lợi dân tộc, thành quả cách mạng và bảo vệ chính Đảng ta, không để Đảng bị “nhóm lợi ích” và “CNTB thân hữu” thao túng, làm hư hỏng, biến chất, dẫn đến đổ vỡ.
“Lợi ích nhóm” cũng chính là một kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất, tham nhũng có tổ chức, tham nhũng chính sách, tham nhũng quyền lực (ghế). |
Sau khi ông nêu vấn đề “lợi ích nhóm” và “CNTB thân hữu” - cảnh báo nguy cơ, dư luận trong Đảng đón nhận thế nào?
Một số tổ chức cơ sở đảng hoan nghênh, một số tổ chức đưa vào tài liệu tham khảo chi bộ. Cán bộ hưu trí và cán bộ đương chức cũng có những ý kiến hoan nghênh. Tôi chưa nhận được ý kiến phê bình nào. Nhưng tôi biết cũng có ý kiến không đồng tình. Không đồng tình đôi khi vì người ta chưa cảm nhận, chưa có đầy đủ thông tin để hiểu tình hình “lợi ích nhóm” cho rằng tôi thổi phồng lên, lo xa. Cũng có ý kiến đặt vấn đề: “Bản thân từ “chủ nghĩa tư bản thân hữu” và “lợi ích nhóm” có chuẩn không? Tôi nghĩ là chuẩn. “Lợi ích nhóm” viết trong ngoặc kép, nó phê phán hướng tiêu cực, còn lợi ích nhóm phù hợp với lợi ích của quốc gia thì đó là động lực. “Lợi ích nhóm” (tiêu cực) xâm hại lợi ích quốc gia, lợi ích chung, là điều xấu. “CNTB thân hữu” cũng để trong ngoặc kép vì đó không phải là một giai đoạn nào của CNTB, mà là một sự biến tướng, sự tha hóa trong quá trình phát triển của các quốc gia, bất kể nước theo chế độ chính trị nào, và sự tha hóa ấy liên quan đến “đồng tiền sinh lợi” nên tôi nhất trí gọi là “tư bản thân hữu”. Theo chỗ tôi biết, thế giới cũng đã có một số nghiên cứu về vấn đề này.
Theo ông làm thế nào để chống “lợi ích nhóm” và tránh nguy cơ “CNTB thân hữu”?
Chống “lợi ích nhóm” là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, vì không rõ “chiến tuyến”, thường ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó.
Không thể nào chống lại “lợi ích nhóm” nếu như chưa nhận thức tầm nguy hiểm của nó. Nhận thức đúng sẽ đưa ra giải pháp đúng. Cách giải quyết quan trọng nhất là tìm được nguyên nhân, cái gốc của vấn đề. Có rất nhiều giải pháp nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến tính minh bạch, công khai. Trước hết hãy minh bạch trong Bộ Chính trị, trong Trung ương Đảng, trong Chính phủ, trong Quốc hội. Tiếp theo, đồng thời, là minh bạch trong toàn Đảng, toàn dân. Yêu cầu phải có thông tin là yêu cầu chính đáng, là quyền của đảng viên và của nhân dân. Việc cung cấp đầy đủ thông tin trung thực và trách nhiệm giải trình là nhiệm vụ, trách nhiệm phải thực hiện của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Không thể lẩn tránh hoặc làm cho qua chuyện. Khi không minh bạch thì giống như chưa đủ ánh sáng, còn để cho bóng tối che khuất, dù cố ý hay vô tình thì cũng là chừa nơi ẩn nấp cho các tiêu cực, “lợi ích nhóm”.
Trân trọng cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!