Cuối những năm 80 và suốt các năm 90 của thế kỷ trước, cả xã hội lao vào guồng máy kiếm tiền bằng đủ mọi cách chủ yếu là buôn đi buôn lại hoặc đi lao động xuất khẩu. Nhà văn, nhà báo, nhà giáo… được mặc định là nhà nghèo. Phó tiến sĩ (bây giờ là tiến sĩ) không bằng phó mộc, phó may. Bao nhiêu người rùng rùng chuyển động quanh đồng tiền: “Một người chuốt nhạc, làm thơ/Triệu người đánh quả tỉnh bơ, tính cầy”.
Trong không khí sôi sùng sục đó cũng vẫn con người đó nghĩ khác và làm khác. Theo ông, nhà văn, nhà giáo, nhà báo… phải là nhà giàu. Muốn thế phải có vốn văn hóa sâu rộng và có năng lực kinh doanh như bây giờ ta vẫn nói là người làm công nghiệp văn hóa. Người đó là Phạm Thế Hùng, người Yên Từ, Yên Mô, Ninh Bình, sinh năm Đinh Hợi 1947. Năm 7 tuổi ông theo cha lên Hà Nội sinh sống. Cha ông là Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu phó Trường đại học Tài chính. Tốt nghiệp phổ thông khi cả nước đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thế Hùng xung phong nhập ngũ và chiến đấu ở mặt trận Đường 9 Nam Lào.
Sau khi xuất ngũ ,Thế Hùng vào làm công tác thi đua tại Nhà máy rượu Hà Nội đồng thời tham gia học tại chức khoa Đồ họa tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tốt nghiệp, ông về công tác tại Xưởng Mỹ thuật quốc gia rồi chuyển về làm phóng viên cho tuần báo Văn nghệ. Tại đây Thế Hùng được ban lãnh đạo báo cử đi học lớp báo chí Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí-Tuyên truyền). Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí, Thế Hùng tiếp tục lấy bằng cử nhân triết học để đủ điều kiện thi nghiên cứu sinh chuyên ngành Mỹ học. Ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Mỹ học với đề tài “Chủ thể sáng tạo cái đẹp trong nghệ thuật tạo hình” năm 1996. Ông được giữ làm cán bộ giảng dạy của Trường đại học KHXH&NV Hà Nội với môn Mỹ học, Nghệ thuật học, Văn hóa ứng xử.
Tranh sơn dầu “Sen đêm” của họa sĩ Thế Hùng. Ảnh từ trang Facebook nhân vật |
Ngoài ra, ngay từ năm 1990 ông đã tốt nghiệp khóa sáng tác ca khúc lần 1 của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Giảng dạy, viết sách, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc, thuyết trình…, đó là công việc trong suốt mấy chục năm qua của ông. Ở lứa tuổi U80 được xã hội mặc định là già cả, đi đứng phải nắn nót cẩn thận, có đi xa đâu phải có xe đưa đón. Nhưng với Thế Hùng không phải vậy, tháng 7/2023, ông tự lái xe đưa mấy người bạn là nhà thơ, nhà báo đi xuyên Việt. Nhóm các ông qua Huế tổ chức gặp mặt với giới văn nghệ sĩ của thành phố , ra Vũng Tàu gặp gỡ nhạc sĩ Trần Tiến. Chính có cuộc gặp gỡ này mà ông sáng tác ca khúc “Về thôi” rất cảm động tặng nhạc sĩ Trần Tiến. Rồi lên thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) để vui với các bạn văn nghệ sĩ của cao nguyên. Thế Hùng khởi hành chuyến đi xuyên Việt từ Hà Nội và kết thúc cũng tại Hà Nội trong sự ngạc nhiên và phấn khởi của nhiều bạn bè văn nghệ sĩ.
Nhiều đầu sách của ông biên soạn như “ Dạy con thành tài”, “Thành công bằng các kỹ năng”, “Văn hóa ứng xử”… đều tái bản hàng chục lần. Các bạn ông trân trọng nói “Ông lao động như một nông phu và hưởng thụ như một ông hoàng”. Thế Hùng tâm sự, ông sẽ vẽ tiếp hàng trăm bức họa nữa cho đủ nghìn bức rồi sẽ rửa tay gác…cọ”.
Trước Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, tôi đến thăm ông và đọc cho ông nghe mấy vần thơ tôi viết tặng. Thế Hùng nghe và tỏ ra rất thích, mấy vần thơ đó như sau: “Tuổi 76 còn lái xe xuyên Việt/Còn say sưa bút vẽ dâng đời/Bạn khắp chốn văn, thơ, nhạc, họa/Hồn vẫn mơ tìm một mảnh tình riêng”.