Chàng trai H’Mông yêu quê hương bằng thơ tình

Trong số ít tác giả trẻ người H’Mông đang cầm bút, Lâu Văn Mua tạo dấu ấn với sự mới lạ.
0:00 / 0:00
0:00
Chàng trai H’Mông yêu quê hương bằng thơ tình

Những bất ngờ luôn phơi bày trong mỗi câu thơ. Bắt đầu làm thơ từ thời sinh viên, chàng trai trẻ sinh năm 1992 sáng tác để giãi bày những tâm sự trong khoảng thời gian xa quê. Những điều thân thuộc ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa quê anh được đưa vào thơ một cách ân cần, gần gũi. Mua viết thơ nhẹ nhàng như tính tình của anh. Không quá cầu kỳ về cách dụng ngôn, thơ Mua diễn đạt mọi thứ tự nhiên như gió núi, mây trời.

Chia sẻ về con đường đến với thơ, Lâu Văn Mua cho biết: “Tôi mong muốn lan tỏa những nét văn hóa của người H’Mông đến độc giả, đồng thời góp thêm một giọng thơ của người H’Mông vào dòng chảy văn học đương đại. Bởi những người H’Mông cầm bút rất hiếm, có thể đếm trên đầu ngón tay và hiện tại, chỉ có vài tác giả sinh sống rải rác ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Sơn La”.

Cho đến nay, anh vẫn đang âm thầm cầm bút bên cạnh hàng trăm cây viết khác ở quê hương của dòng sông Mã mến thương. Dòng thơ được Lâu Văn Mua theo đuổi từ khi cầm bút đến nay là thơ tình. Cái tình trong thơ của Lâu Văn Mua luôn khoáng đạt, rộng rãi, nồng nàn, cao thượng, nhường nhịn, hy sinh và luôn luôn lãng mạn. Chữ tình trong thơ anh bao hàm một nghĩa phổ quát, hiện lên cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào.

Lâu Văn Mua viết thơ không chú trọng đến vần, thế mạnh của anh là nhịp điệu. Mua thoải mái thể hiện ý mình muốn nói ngay từ cách đặt tên các bài thơ, những tên bài lạ lùng, cuốn hút như: “Tôi bay vào mắt em”, “Nước mắt chở sầu tang”, “Em tiếp tục truyền cảm hứng cho cái chết của anh”… Tập thơ “Tôi bay vào mắt em” (NXB Văn học, 2017) gồm 81 bài thơ tình được anh tuyển chọn kỹ lưỡng. Vẻ đẹp của vùng núi miền tây xứ Thanh đi vào chữ tình trong thơ Mua thanh khiết như âm vọng lan tỏa từ đại ngàn. Những câu thơ lấp lánh như: “ở dưới nhung này vải của đêm/tôi có thể nghe thấy em thông qua bóng tối/chúng ta đã chia sẻ đêm chàm/với những cảm xúc biết sẽ không có kết thúc” (Đêm Chàm), “Giống như một chiếc váy bướm/một điệu nhảy xung quanh/chu vi lửa ngọn đuốc/như trên phụ đề” (Tôi bay vào mắt em)… Khi chiêm nghiệm về cuộc sống, Lâu Văn Mua nói lên tiếng lòng mình qua những câu thơ: “ngồi bên cửa sổ cô đơn/cảm giác chớp chớp qua gió/xào xạc lá của những ký ức/và giẫm chân trên con đường bị lãng quên” (Ký ức).

Tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Lâu Văn Mua trở về bản Pù Toong thân yêu của mình làm công tác văn hóa. Những sáng tác của Mua lúc này ghi đậm dấu ấn về bản làng, rừng núi quê hương, thấm đẫm hơi thở cuộc sống của người H’Mông nơi khúc sông Mã chảy lại đất Việt. Trong năm 2024 này, Lâu Văn Mua sẽ xuất bản tập thơ tiếp theo mang tựa đề: “Khi những ký ức khóc”, vẫn tiếp tục nối mạch cảm xúc từ tập thơ trước nhưng đã được tôi luyện, chắt lọc hơn, hứa hẹn đem đến cho độc giả nhiều điều thú vị, mới mẻ.