Nền tảng bền vững cho... phát triển bền vững

Nếu kinh tế xanh ở môi trường quốc tế đã bắt đầu mang tính cạnh tranh gay gắt, thì tại Việt Nam, cơ hội khởi nghiệp xanh vẫn còn khá nhiều dư địa. Tuy vậy, để hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh sáng tạo đòi hỏi bản lĩnh của người trẻ và sự cộng hưởng của cả một hệ sinh thái bền vững.
Quầy pha chế mở, bày đủ loại trà và hạt cà-phê tại X-Lab. Ảnh WET.LiD
Quầy pha chế mở, bày đủ loại trà và hạt cà-phê tại X-Lab. Ảnh WET.LiD

Kết nối những khác biệt

X-Lab là quầy đồ uống nhỏ xinh của anh Hoàng Trung Nguyên, nằm trong khuôn viên WET.LiD - Work Enough to Lid- không gian làm việc mở, yên tĩnh, rợp những tán xanh, do chị Phạm Thị Thùy Dung xây dựng.

Tại sao lại là X-Lab? "Ngày bé, bố tôi bảo, bất cứ ẩn số nào chưa có đáp án, ta đều gọi chung là X. Còn Lab thì chắc mọi người ai cũng biết, là phòng thí nghiệm, cái nôi của mọi ý tưởng điên rồ nhất!", anh Nguyên thổ lộ.

Bởi vậy, "phòng thí nghiệm" này cho phép khách hàng trải nghiệm cà-phê theo hướng "cá nhân hóa". Ở đây, với hàng chục loại hạt trong và ngoài nước, cà-phê "Tây" có thể được chiết bằng phin nhôm Việt Nam, và bạn cũng có thể chưng cà-phê thuần Việt bằng moka pot (loại ấm đun cà-phê truyền thống Italy). Mọi sự sáng tạo, phá cách đều được chấp nhận.

Ở X-Lab còn có cả những gói... trà mạn Thái Nguyên tưởng như xa lạ với thị hiếu của người trẻ, nằm lẫn giữa các gói trà ô-long, bột matcha… "Nông sản, nông nghiệp, người nông dân là những điều mang tính biểu trưng cho đất nước hình chữ S. Do đó, tôi muốn mang nông sản Việt ra thế giới, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy vậy, bắt đầu với lĩnh vực này cũng gặp nhiều khó khăn hơn, do kinh phí cao, rủi ro nhiều còn thời gian cho thấy hiệu quả lại lâu", Nguyên tư lự. Lời giải của phương trình mà anh chọn,

là một mặt, giúp khách hàng được trải nghiệm những sản phẩm tốt nhất, và ngược lại, Nguyên cũng tận dụng mọi mối quan hệ để giúp các nhà xưởng phân phối nông sản.

Toàn bộ guồng máy WET.LiD được vận hành với tinh thần tương tự. Trên tấm bảng dùng để ghim các gói trà hay cà-phê của nhiều thương hiệu lớn nhỏ khác nhau, còn có cả những tấm card giới thiệu thông tin cá nhân, mà Dung và Nguyên hóm hỉnh gọi là "bảng bán mình" của các bạn freelancer (làm việc tự do). Họ có thể là người thiết kế, làm báo, nhà sáng tạo nội dung, nhân viên marketing... Tấm bảng "kết nối" ấy là sản phẩm demo vật lý cho một nền tảng số đang được triển khai, nhằm tạo nên mạng lưới liên hệ và trao đổi thông tin hữu ích, cho bất cứ "người cần việc" hay "việc cần người" nào.

Cạm bẫy của hiện thực

Song, không phải doanh nghiệp trẻ nào cũng có bước khởi đầu thuận được như X-Lab. Green Life (Công ty cổ phần Cuộc sống Xanh Sài Gòn) được thành lập năm 2016 bởi một nhóm nhà nghiên cứu trẻ. Cùng nhau, họ trăn trở và ấp ủ khởi nghiệp dự án nhằm giải quyết vấn đề người Việt Nam mắc ung thư, do tiếp xúc với rất nhiều loại hóa chất và thực phẩm độc thông qua các chất tẩy rửa thông thường.

Sau quá trình nghiên cứu tỉ mỉ, HomeVic ra đời. Đó là thương hiệu các sản phẩm công nghệ làm sạch và an toàn từ enzyme - chất xúc tác sinh học được sản xuất ra do tế bào và vi tế bào, có thành phần hơn 90% là hữu cơ, sử dụng hoàn toàn nông sản Việt và không chứa hóa chất độc hại.

Song, như thành viên sáng lập Trần Thị Như Phương (sinh năm 1999) bộc bạch: "Chúng tôi thiếu nhân sự trẻ đam mê và kiên trì với nghề. Không chỉ vậy, đến nay, doanh nghiệp cũng vẫn thiếu kinh phí đầu tư cho thiết kế mẫu mã, bao bì. Hơn nữa, vì thiếu các chuyên gia định hướng, đề ra chiến lược nên công ty chưa xử lý được vấn đề giá chưa cạnh tranh (do chi phí sản xuất cao) và marketing mãi vẫn kém hiệu quả". Một sản phẩm trên lý thuyết rất giàu tiềm năng, mà thực tế vẫn phải mắc kẹt trong những cái vòng luẩn quẩn. Câu chuyện này chỉ ra: Những vòng xoáy đang mỗi lúc một trở nên khắc nghiệt.

"La bàn" cho khởi nghiệp xanh

Nhìn rộng hơn, hiện có rất nhiều bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp, với ý tưởng và hoài bão chung tay giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là trong lĩnh vực phát triển bền vững, nhưng cũng có không ít trong số đó "sớm nở tối tàn", do thiếu hụt nhân sự hay đứt đoạn dòng vốn, và ở tầm mức vĩ mô, do thiếu một bộ máy vận hành đủ chuyên nghiệp, để có thể tồn tại trước mọi áp lực.

Thực trạng này được bà Phạm Kiều Oanh, Nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ cộng đồng (CSIP) phân tích và gợi ý: "Sự phát triển của kinh tế xanh còn mới mẻ ở nước ta, kéo theo những rào cản trong tiếp cận vốn và phát triển thị trường non trẻ này. Người trẻ lại thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn (bao gồm cả vốn tài chính và vốn xã hội). Do đó, các bạn trẻ nên cân nhắc: Chọn đúng ngành, chọn đúng địa bàn và thời điểm. Nên khởi nghiệp tại những ngành có tiềm năng thị trường và lợi thế của Việt Nam như nông nghiệp xanh, du lịch xanh, trước khi khai phá thị trường quá mới và đòi hỏi vốn lớn như năng lượng xanh, công nghệ xanh…; Chọn mô hình khởi nghiệp có quy mô phù hợp với năng lực và nguồn vốn của mình cũng như đội nhóm, đồng thời nên thử nghiệm sản phẩm trước khi nhân rộng, đầu tư lớn; Xây dựng chiến lược hoạt động đổi mới sáng tạo, nhưng cũng cần rất thận trọng và linh hoạt để ứng phó với những biến động nhanh hiện nay".

Trên thực tế, Việt Nam cũng đã và đang gấp rút hoàn thiện một hành lang hỗ trợ khá đầy đủ, từ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính khuyến khích khởi nghiệp xanh cho đến các hoạt động đào tạo.

Tích cực đồng hành cùng người trẻ, nhiều lớp tập huấn bộ kỹ năng khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên đã được các cấp bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Đồng thời, đây cũng là địa chỉ tin cậy "bắc cầu" các nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên. Điển hình, từ năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Hà Tĩnh II triển khai Chương trình tín dụng xanh hỗ trợ thanh niên Hà Tĩnh khởi nghiệp, lập nghiệp giai đoạn 2022-2025, nhằm khuyến khích thanh niên đầu tư phát triển sản phẩm địa phương.

Nhiều doanh nghiệp xã hội, Trung tâm hỗ trợ cũng đã chung tay vào cuộc, tiêu biểu như CSIP hoặc các chương trình tập huấn ngắn hạn của các tổ chức quốc tế. Thời gian tới, CSIP sẽ kết hợp với các tổ chức, nhà đầu tư xã hội trong và ngoài nước để tìm cách hỗ trợ nâng cao năng lực và tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp xanh tiềm năng, lan tỏa đến cộng đồng.

Nghĩa là, như bà Phạm Kiều Oanh đánh giá: "Khởi nghiệp xanh đang đi đúng hướng". Và để tận dụng tốt bối cảnh đó, thế hệ doanh nghiệp trẻ nhất thiết không được để "mất kết nối", nhằm nắm bắt các cơ hội được hậu thuẫn bởi chính sách ưu đãi của Nhà nước, xây dựng những nền móng căn bản vững chắc cho chính mình, từ đó tự tin phát triển bền vững, góp phần tạo dựng sự lớn mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của quốc gia.