Khi tôi đến, giữa trưa một ngày tháng bảy, nắng đang chói đỉnh đầu. Nghĩa trang đang được tu sửa. Xe vừa dừng lại, đã thấy một thanh niên mặc áo công nhân xây dựng chạy xe máy đến, hỏi: Cô tìm thăm mộ ai? Nghe tôi nói đến thắp hương cho liệt sĩ Nguyễn Huy, cậu thanh niên nhanh nhảu: Bác liệt sĩ nhà báo phải không ạ? Tuần trước cháu vừa thấy một đoàn nhà báo mang vòng hoa đến viếng. Cô đi theo cháu. Vừa dẫn tôi đến trước phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Huy, cậu thanh niên vừa trò chuyện: Nhà cháu ở gần đây, cháu đang làm cùng đội công nhân tu sửa nghĩa trang này. Thân nhân liệt sĩ ở xa đến, nếu cần hỗ trợ có thể gọi chú quản trang - số điện thoại gắn ngay trên cánh cổng nghĩa trang đó ạ, chú ấy biết rõ vị trí của từng ngôi mộ trong nghĩa trang này.
Kính cẩn cúi đầu trước mộ phần của bậc tiền bối đã cống hiến đời mình cho độc lập dân tộc, trong khói hương lan tỏa không gian, mỗi tâm hồn đều tràn ngập sự kính phục và nỗi tiếc thương những tài hoa ra trận. Nếu không có chiến tranh, những tài hoa ấy, tâm huyết ấy, lý tưởng sống mạnh mẽ ấy sẽ làm cho đất nước phát triển thêm đến bội phần.
Trưa Triệu Phong, nắng trong đến lạ.
Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam ở Hà Nội, có một khu tưởng niệm đặc biệt trang trọng dành cho các nhà báo đã anh dũng hy sinh khi tác nghiệp tại các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Danh sách hiện ghi 512 nhà báo, trong đó, Báo Nhân Dân có bảy liệt sĩ, đó là các nhà báo Thôi Hữu, Nguyễn Ngọc Tứ, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Huy, Nguyễn Quang Chính, Tạ Văn Nghìn, Nguyễn Văn Nhạc. Hành trình tìm kiếm, xác định danh tính các liệt sĩ nhà báo vẫn đang được nhiều tổ chức, cá nhân tiếp tục chung tay, nỗ lực.