Nâng “nền”

Kể từ khi giảm xuống dưới 900 điểm vào ngày 16/11/2022 đến nay, VN Index vẫn có một số đợt điều chỉnh, nhưng điểm chung là đáy sau luôn cao hơn đáy trước. Nói cách khác thì VN Index đang xây chắc nền giá trị của mình, tạo ra sự lạc quan về mặt dài hạn.
0:00 / 0:00
0:00

Có thể khẳng định, những lo lắng thái quá của một số nhà đầu tư (NĐT) về việc VN Index thủng 1.000 điểm và sẽ lún sâu hơn nữa sẽ khó có khả năng xảy ra. Thực tế cho thấy, VN Index đã thủng 1.000 điểm vài lần trong năm 2022, nhưng chưa bao giờ mất quá một tháng (20 phiên) để phục hồi lên trên ngưỡng này và luôn trở thành cơ hội bắt đáy, sinh lãi lớn cho nhiều người. Từ thực tế này cho thấy, 1.000 điểm từ chỗ là đỉnh phải chinh phục cách đây bốn năm trở về trước giờ lại trở thành đáy dài hạn cho thị trường và là nền móng về mặt tâm lý cho NĐT, đồng nghĩa với kỳ vọng dành cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã được nâng lên cực kỳ rõ rệt.

Điều tương tự cũng đang diễn ra với mốc 1.100 điểm, khi VN Index cũng chưa mất đến 20 phiên để vượt lên và trụ lại ngưỡng này. Cuối tháng 12/2022, sau khi phục hồi lên hơn 1.000 điểm và chỉ cần vài phiên tích lũy, VN Index tiếp tục vượt lên 1.050 điểm và đến tuần thứ ba của tháng 1/2023, chỉ số này đã cán mốc 1.100 điểm. Phiên điều chỉnh gần 15 điểm vào ngày 30/1 đã tạo ra những sự e dè nhất định khi VN Index mất gần 15 điểm, xuống còn gần 1.102 điểm. Thậm chí phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1 (31/1), chỉ số này đã có lúc giảm xuống dưới 1.100 điểm vào buổi sáng nhưng đến chiều lại phục hồi mạnh mẽ lên trên ngưỡng này. Nên có thể trong ngắn hạn, ngưỡng 1.100 điểm sẽ là đáy của thị trường. Câu hỏi lúc này là liệu quy luật tăng 100 điểm trong khoảng dưới 20 phiên liệu có thể lặp lại với VN Index trong tháng 2 này hay không?

Nếu lấy đáy là 900 điểm thì VN Index lúc này đã phục hồi khoảng hơn 22%, trong khi nhìn vào một số thị trường trong khu vực và thế giới thì tỷ lệ phục hồi có thể lên đến hơn 30%, nghĩa là dư địa để tăng tiếp vẫn còn cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, điểm cần thận trọng là càng xa khỏi đáy, động lực phục hồi sẽ càng trở nên thận trọng hơn cho các chỉ số. Một xu hướng cần lưu ý là tâm lý của NĐT đã phục hồi, thể hiện ở việc đà tăng đã phát triển theo diện rộng, một số cổ phiếu có tính chất đầu cơ, nhưng nền tảng kinh doanh không vững chắc cũng đã sinh lãi vài chục % kể từ đáy. Dòng tiền phân tán thay vì tập trung ở những cổ phiếu vốn hóa lớn, tác động trực tiếp đến VN Index có thể làm giảm đà phục hồi nhanh của chỉ số này.

Như vậy, NĐT sẽ phải lựa chọn cổ phiếu một cách thận trọng hơn, nếu sẵn sàng giải ngân hàng “nóng” sẽ phải chấp nhận rủi ro, còn nếu lựa cổ phiếu có giá trị, sẽ phải chờ đợi lâu hơn, đặc biệt là kết quả kinh doanh của cả năm 2022 đang được công bố. Giải pháp mang tính phòng thủ ở đây chính là việc lựa chọn những cổ phiếu hứa hẹn kết quả kinh doanh, nhưng đà phục hồi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung và một số cổ phiếu cùng ngành.