Nâng cao trách nhiệm quản lý đô thị

Nhìn chung thì cứ đường sá mở mang, phố xá chỉnh trang, cầu cống xây dựng, lắp đặt, chung cư, đô thị mọc lên… là thấy bừng lên một vẻ hiện đại, trang trọng, có nơi thì phải dùng hẳn từ “sang trọng”. Như thế cũng là xu thế phát triển đẹp lên, tiện nghi hơn của đời sống, nhất là cuộc sống ở đô thị.
0:00 / 0:00
0:00

Ấy vậy mà ngay ở những nơi “long lanh ấy” lại xuất hiện không ít cảnh nhếch nhác. Nơi này, ngay cạnh khu chung cư, công viên là hàng loạt quán trà đá vỉa hè kèm thêm ăn uống, tối lại mọc lên những quán nhậu lai rai, đổ nước, xả rác, xả khói “tùm lum”. Chỗ kia, đường nhựa phẳng phiu chạy thẳng tắp thì ở giữa, trên dải phân cách không phải trồng hoa, cây cảnh, mà đã trở thành… chuỗi vườn rau với rào, cọc cắm lên tứ tung, rồi những tôn quây lại, thùng xốp đặt xuống. Của đáng tội, có những người tranh thủ tận dụng ít đất đó để tăng gia, cải thiện bữa ăn cho gia đình. Nhưng làm như thế vừa ảnh hưởng tầm nhìn người tham gia giao thông, vừa nguy hiểm cho chính những người cao tuổi hằng ngày băng qua đường sang… chăm vườn ở ngay giữa đường. Nơi khác nữa, thì ngay giữa các khu phố xanh tươi cây và hoa, rực rỡ đèn về đêm, ngay cả trong khu phố cổ, lại rất phổ biến những “tụ điểm rác” từ nhỏ đến to. Cứ chình ình, bừa bộn như thế trong không gian du lịch, ẩm thực, không gian sinh hoạt văn hóa của người dân, nhìn rất phản cảm, mất mỹ quan, mất vệ sinh…

Vài trong nhiều thí dụ đó phản ánh nhiều điều. Trước hết là sự vô ý thức của chính những người xả thải, vứt rác bừa bãi, những người dựng rào, quây tôn… làm những việc của riêng mình mà không đếm xỉa gì đến sở hữu chung của tất cả mọi người ở nơi công cộng. Hai là trách nhiệm chưa cao của chính quyền sở tại và đơn vị chức năng địa phương trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan không gian trên địa bàn mình quản lý. Khá khôi hài khi nhiều phường, quận thường chăng đèn, dựng pa-nô, treo phướn, làm bục bệ ở các không gian rộng, rồi thì chăm công viên, tưới cây xanh nhìn cũng quy củ, vậy mà có những chỗ mất mỹ quan đô thị tồn đọng thì lại cứ để mãi. Rồi nữa là phải kể đến trách nhiệm liên quan của các đơn vị làm dịch vụ vệ sinh, môi trường đô thị, trong quá trình hợp đồng, hợp tác với địa phương, người dân chăm lo cho địa bàn thì không xử lý, tư vấn xử lý hết, cứ để ứ đọng những cảnh không sạch đẹp như vậy.

Nhắc đến các đối tượng liên quan trên, cũng chính là để suy nghĩ về trách nhiệm của họ trong việc giải quyết một tồn đọng cho thấy nghịch lý ở đô thị đang phát triển, vươn tới văn minh, xanh, sạch, đẹp.