Đừng để “mất kết nối” với trẻ

Hôm vừa rồi, cô em họ đưa cho tôi xem một đoạn tin nhắn rất dài của cậu con trai đang học lớp 11.
0:00 / 0:00
0:00

Đấy có thể coi là một bức “tâm thư” gửi cho mẹ sau khi cậu xin phép được cùng các bạn tham gia cuộc đi dã ngoại hai ngày một đêm sẽ được tổ chức tại một nơi cách nhà mấy chục cây số sau khi năm học kết thúc. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cuộc đi chơi để chia tay năm học đó là do nhà trường tổ chức và có sự giám sát của các thầy, cô giáo. Đây là cuộc đi chơi do chính các cháu tự lên kế hoạch.

Tất nhiên cô em tôi không tán thành cuộc đi chơi này và hai mẹ con đã khá căng thẳng nên mới có bức tâm thư con trai viết gửi mẹ. Ngay từ khi vào học cấp hai thì cậu bé đã có nhiều phản kháng lại các ý kiến của mẹ, nó cho rằng, mẹ mình không hiểu và thiếu lòng tin, sự tôn trọng đối với con. Nó nghĩ nó đã lớn, biết tự lo cho bản thân, còn cô em tôi thì cho rằng, chuyến đi không bảo đảm an toàn, các con đang còn khờ dại, ham chơi, chưa biết kiểm soát bản thân nên hai mẹ con không tìm ra tiếng nói chung. Do nóng giận, cô em tôi đã lớn tiếng quát nạt và cậu con trai đang tuổi “ương ương” cũng đã phản ứng lại, nó lầm lì, đóng chặt cửa phòng không nói chuyện với bố mẹ.

Thực ra việc cô em tôi cũng như nhiều bậc cha mẹ khác lo lắng không phải là không có cơ sở khi mà bên ngoài cánh cổng trường học tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm. Chưa kể đến những rủi ro như đuối nước hay tai nạn khi chơi đùa hoặc ăn uống không bảo đảm vệ sinh khi trời nắng nóng. Việc không có người lớn kiểm soát cũng rất dễ khiến cho bọn trẻ có cảm giác tự do quá trớn. Việc mua và sử dụng thuốc lá điện tử hay những chất kích thích khác hoàn toàn có thể xảy ra bởi không khó để có thể mua được những thứ độc hại này. Thêm vào đó, bọn trẻ đang trong giai đoạn dậy thì nên rất tò mò và muốn khám phá, nhiều đứa đã nảy sinh tình cảm với bạn khác giới. Em tôi cho rằng, sẽ thật tai hại nếu chúng đi quá giới hạn. Chuyến đi dã ngoại khiến không khí gia đình căng thẳng, em tôi đang đau đầu không biết xử lý ra sao, sợ làm “rắn” quá sẽ có kết quả không hay vì thằng bé vốn dĩ vẫn được cưng chiều từ nhỏ.

Gặp khó khăn trong việc đối thoại với con như cô em tôi không phải là chuyện hiếm. Làm bạn với con là một quá trình dài và phải được bắt đầu từ khi trẻ còn bé. Giáo dục con trẻ, bậc làm cha mẹ cũng cần nhiều phương pháp, tùy lúc mà mềm mỏng hay cứng rắn, cốt yếu là để các con hiểu và nhận thức đúng vấn đề. Tránh việc “mất kết nối” với trẻ, sẽ dẫn đến nhiều điều đáng tiếc…