Xử lý tình trạng đỗ xe bừa bãi

Liên tiếp gần đây, Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy, đặc biệt trong khu vực ngõ-ngách nhỏ, dân cư đông đúc khiến nhiều người thiệt mạng và tổn thất nặng nề về tài sản.
0:00 / 0:00
0:00

Thế nhưng, ở những khu vực ngõ rộng hơn, người thưa hơn thì người dân vẫn “khóc ròng” vì nếu hỏa hoạn xảy ra, xe cứu hỏa cũng khó tiếp cận chữa cháy. Sao lại có nghịch lý này?

Những năm qua, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đã chuyển lên thành quận, xã đã lên phường. Phần lớn ở khu vực này, những con đường làng bê-tông hóa thành ngõ, được chính quyền địa phương và người dân đồng lòng mở rộng rãi, thuận tiện cho đi lại. Điển hình như các khu vực quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ… Tuy nhiên, những con ngõ rộng này chẳng bao lâu lại bị chiếm dụng thành “bến” đỗ xe ô-tô. Những chiếc ô-tô của cư dân trong ngõ, tiện quá rồi, chỉ việc đậu ngay trước cửa. Rồi xe của khách đến chơi, xe dịch vụ… Lâu dần, ngõ rộng thành ra chỉ còn chỗ để xe máy, xe đạp đi vừa.

Cư dân đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng ô-tô đỗ chiếm lòng ngõ, đặc biệt những người cao tuổi trong khu vực dân cư. Họ lo ngại xe cấp cứu, xe cứu hỏa khó tiếp cận. Thế nhưng, bao lâu nay, trên địa bàn dân cư vẫn khó giải quyết. Đơn cử, tại cụm dân cư số 17, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội), cư dân phản ánh rất nhiều lần vì đã có tình trạng xảy ra xô xát, cãi lộn liên quan đến chuyện xe ở đâu tới, tiện thể đỗ trước cổng khiến xe trong nhà không ra vào được. Có những xe như “vô chủ”, tìm không được người lái xe, khiến xe cấp cứu không vào được nhà bệnh nhân. Rồi xe đỗ ngay trước cổng nhà văn hóa, che kín bản tin dân cư…

Phản ánh của người dân được đề xuất lên cảnh sát khu vực, nhưng các anh khéo léo trả lời: “Trong ngõ, hẻm không đặt biển báo cấm đỗ xe nên chúng tôi không thể xử phạt mà chỉ nhắc nhở nên không có tính răn đe…”. Đôi lần, dân cư bức xúc mời cả cảnh sát giao thông thì các anh cũng nhắn nhủ: “Đối với hành vi vi phạm giao thông trong ngõ, hẻm (không có biển báo) phải xảy ra tai nạn cảnh sát giao thông mới xử lý, còn việc đậu đỗ như trên thuộc trách nhiệm của phường”.

“Quả bóng” cứ đá qua đá lại như vậy! Chỉ chủ những chiếc xe là vui vì vừa không mất tiền bến bãi, vừa không sợ bị “sờ gáy”. Đến khi Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy, mọi người trong khu dân cư lại tá hỏa, ngõ bị chiếm dụng, làm sao xe cứu hỏa đến chữa cháy kịp thời? Người dân hò nhau đi mua bình chữa cháy mini, trong khi nhiều vi phạm đã được “chỉ mặt điểm tên” vẫn chưa thể nào khắc phục được.

Giải quyết vấn đề, cuối cùng vẫn phụ thuộc vào ý thức của người dân, không được đỗ xe bừa bãi. Nhưng cũng đã đến lúc chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cần vận dụng linh hoạt pháp luật để bảo vệ, bảo đảm được quyền lợi chính đáng của phần lớn người dân. Góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho mọi nhà.