Cách để yêu lịch sử

Lâu nay xã hội có mối lo chung về việc học sinh không mặn mà với môn Lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00

Nhà trường lúng túng, phụ huynh lo lắng, nhiều chuyên gia băn khoăn… về việc làm thế nào để các em hào hứng với môn Sử hơn, đổi mới - sáng tạo gì trong việc dạy và học môn Sử…

Chính những đợt hoạt động đa dạng như dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua, cùng nhiều sự kiện khác có chủ đề về lịch sử, văn hóa, truyền thống được các nhóm, đơn vị, cá nhân triển khai sáng tạo thời gian qua đang đưa ra những chiếc chìa khóa cho thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, các nhà soạn sách, cả các nhà xây dựng chính sách liên quan đến giáo dục. Thí dụ như việc Báo Nhân Dân tổ chức triển lãm tương tác tranh toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ, in các phân đoạn của bức tranh trên phụ trương báo để học sinh, khách tham quan, bạn đọc được trải nghiệm, cắt dán, tìm hiểu các thông tin chiến dịch qua việc quét mã QR một cách thuận tiện. Như việc nhiều tổ chức, cá nhân mở ra mô hình cà-phê biển đảo, cà-phê phố cổ, trưng bày nhiều hiện vật chiến tranh tại quán cà-phê để tạo nên các không gian lịch sử-văn hóa nhỏ, giúp công chúng, du khách thưởng lãm, tìm hiểu, tọa đàm về các nội dung lịch sử một cách nhẹ nhàng, có trao đổi, có hỏi đáp. Như việc xuất bản truyện tranh về các anh hùng dân tộc, các chiến sĩ lập nhiều chiến công, hy sinh anh dũng trong kháng chiến với các xuất bản phẩm được in giấy tốt, tranh đẹp, nhiều mầu sắc, phần lời ngắn gọn. Hoặc một số trường đã đưa học sinh đến tham quan di tích lịch sử-văn hóa, tổ chức hoạt động trải nghiệm “thử” làm bộ đội như các chiến sĩ ngày xưa…

Các hoạt động như thế đã để lại ấn tượng cho học sinh, công chúng với những thông tin hấp dẫn về lịch sử, văn hóa. Đặc biệt là tạo sự kích thích để mọi người chủ động tìm hiểu thêm bằng những hoạt động tham quan, đọc, xem, bàn luận… một cách phù hợp. Thuận tiện, sinh động, cuốn hút và khơi gợi ý thức tự thân, tự nguyện là những điều rất cần chú trọng trong việc soạn sách và dạy lịch sử cho học sinh, cũng như tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em. Tất nhiên, với đặc thù giáo dục nhà trường, không thể tránh được những yếu tố cố định về sách giáo khoa, giờ học, bài tập, kế hoạch tổ chức sự kiện. Nhưng hãy thấm và đưa được tinh thần trên vào học đường, thì môn Lịch sử sẽ không còn đáng ngại mà sẽ trở nên hấp dẫn, thân quen. Và ý thức tìm hiểu lịch sử, truyền thống của đất nước, vùng miền, địa phương sẽ đi theo trẻ lâu dài chứ không chỉ giới hạn trong thời gian lên lớp.