Để cuộc sống ngày càng văn minh

Miền bắc đang chuyển mùa, mưa nắng thất thường, oi nóng, độ ẩm khá cao. Chẳng biết có phải do thời tiết hay không mà mấy cụ già làng tôi tuổi cao sức yếu hoặc có bệnh sẵn trong người cùng dắt nhau về với tổ tiên.
0:00 / 0:00
0:00

Qua quan sát khi đến thăm một đám hiếu, tôi thấy lượng người khá đông, mùi khói hương đậm đặc, tiếng kèn trống phát qua chiếc tăng âm càng làm bầu không khí thêm ngột ngạt, rất khó chịu. Thời tiết khắc nghiệt như thế này, người khỏe chỉ đến một lát còn thấy oải nói gì đến tang quyến, túc trực suốt ngày đêm.

Người dân nơi tôi đang ở sống khá tình cảm, mỗi khi nhà ai đó có công việc dù vui hay buồn thì anh em, bạn bè, họ mạc, láng giềng… cũng có mặt đầy đủ để giúp đỡ cho công việc trọn vẹn. Trong lúc ngồi ở bàn uống nước, chị trưởng thôn phụ trách khu dân cư tôi đang sống than thở về tập quán địa phương mình. Chị nói, vẫn biết là “đất có lề quê có thói” hay “phép vua thua lệ làng” nhưng một số tục lệ ngày xưa nay đã không còn phù hợp cuộc sống hiện tại nữa. Đơn cử như cách chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương với người đã khuất, có nhất thiết phải để họ trong nhà suốt khoảng thời gian tổ chức tang lễ, có đám thời gian lên đến 2-3 ngày hay không. Với thời tiết mùa hè nóng nực thì việc để người đã khuất như vậy liệu có an toàn và khoa học? Con cháu gia chủ liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không khi suốt thời gian ấy túc trực bên linh cữu người đã khuất là những người già cả, ốm đau lâu và có nhiều bệnh tật.

Thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã và đang đến từng hộ gia đình có việc hiếu, vận động người dân thực hiện lễ tang văn minh, đơn giản. Khuyến cáo hạn chế mang nhiều vòng hoa phúng viếng, giảm bớt lễ nghi rườm rà gây lãng phí tiền của cũng như thời gian và công sức. Vận động mọi người hiểu rõ lợi ích của việc đưa người đã khuất đi hỏa táng trước rồi mới đưa về nhà thực hiện nghi lễ phát tang và phúng viếng. Điều này khoa học hơn rất nhiều so việc thực hiện những nghi lễ khâm liệm phát tang và phúng viếng kéo dài ít nhất hai ngày xong mới đưa đi hỏa táng, giữ an toàn cho chính gia quyến cũng như môi trường chung quanh.

Tuy vậy, có vẻ việc này không dễ thay đổi một sớm một chiều bởi ở nhiều vùng quê nhiều tập tục, thói quen đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù nhiều người ngày nay cũng biết những vấn đề mà chính quyền quan tâm, lo lắng đều xuất phát từ cơ sở khoa học. Qua câu chuyện với chị trưởng thôn, chúng tôi mới biết rất nhiều địa phương khác, người dân đã thực hiện nghi thức này như một điều tất yếu. Vì thế, rất mong bà con cởi bỏ những tập tục đã không còn phù hợp, ủng hộ chính sách mới của địa phương để cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.