Giữ gìn và phát huy vai trò nhà văn hóa

Mùa hè về, nhà văn hóa ở các làng xã nông thôn ngoại thành nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
0:00 / 0:00
0:00

Vốn dĩ, nơi đây được coi là “ngôi nhà chung” để tổ chức các sự kiện văn hóa văn nghệ, họp mặt của bà con nông dân. Do các nông thôn thường chưa xây dựng được khu vui chơi giải trí, sinh hoạt tập thể dành riêng cho thiếu nhi nên cứ mỗi dịp hè, các nhà văn hóa lại được lựa chọn là nơi dạy trẻ em nhảy múa, ca hát, vui chơi. Không chỉ trẻ em, người lớn cũng thường đến đây tập yoga, nhảy dân vũ và các hoạt động thể dục thể thao khác. Bà con nông dân nếu không có những khuôn viên như thế này thì cũng khó có thể tìm cho mình một sân chơi công cộng nào đủ rộng và an toàn để sinh hoạt văn hóa.

Tuy nhiên, do được xây dựng nhiều năm trước nên một số nhà văn hóa đã xuống cấp. Nhìn qua đã thấy tường vôi loang lổ, bong tróc, mái tôn đôi chỗ thủng dột, cửa sổ, cửa ra vào không còn chắc chắn. Đặc biệt có nơi, trần nhà làm từ những tấm nhựa rẻ tiền có hiện tượng bung ra và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Những ngày mưa kéo dài, hiện tượng này gây ái ngại cho không ít người dân mỗi khi lui tới. Nỗi lo về sự an toàn là có thật khi mà mới đây, sự việc rơi gạch vữa đã xảy ra tại một nhà văn hóa ở huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội, khi các em nhỏ đang biểu diễn văn nghệ.

Không chỉ có vậy, những khoảng sân của nơi sinh hoạt công cộng này giờ đây cũng bị biến thành bãi đỗ xe ô-tô. Do nhiều nơi, địa phương chưa kịp xây dựng bãi đỗ xe nên người dân phải đỗ xe trong sân nhà văn hóa. Bất cập ở chỗ nếu đỗ ngoài đường thì gây cản trở giao thông, mà đỗ trong sân nhà văn hóa thì lại chiếm hết không gian sinh hoạt chung. Đã có những tranh cãi nổ ra khi mà người thì cho rằng nhà văn hóa nên thu phí đỗ gửi, người lại cho rằng không nên vì sẽ không còn chỗ cho người dân sinh hoạt nữa.

Bảo đảm an toàn cũng như mỹ quan công trình văn hóa cho người dân, trách nhiệm này thuộc về ai vẫn là một câu hỏi lớn. Tuy vậy, muốn nó thật sự là nơi dành cho những sinh hoạt văn hóa của chính bà con nông dân, ngoài trách nhiệm, sự quan tâm đúng lúc của chính quyền địa phương thì còn cần sự đóng góp rất lớn của chính bà con trong làng xã, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Có ý thức giữ gìn bảo vệ tài sản công không chỉ là một bài học đạo đức dành riêng cho trẻ em, nó còn luôn cần thiết và phải được thực hiện bởi chính những người trưởng thành nữa.