Những vùng ô nhiễm cống

Đi trong thành phố, thấy đơn vị bên ngành thoát nước, vệ sinh môi trường còn nhiều việc phải làm.
0:00 / 0:00
0:00

Ở nhiều nắp cống hở với mục đích cho nước mưa, nước thải chảy xuống thì mùi cống rãnh từ dưới thường xuyên bốc lên rất khó chịu. Quanh đó thì hoặc chợ, hoặc hàng ăn, quán nước, cà-phê, rồi nhà dân…, tức là luôn có người, đông người. Tất cả phải chịu đựng mùi cống rãnh, lâu tưởng đã thành quen.

Nếu bây giờ, hỏi về cách xử lý của đơn vị chức năng, được trả lời rằng, nếp đặt nắp cống kín vào cho hết mùi thì nước còn thoát đi đâu, lại ngập lên cả phố, lúc ấy lại vẫn kêu cống rãnh gì mà kém! Như thế kể cũng khó nghĩ! Nhưng trách nhiệm ở ngành chức năng, có gì phát sinh gây xấu, bẩn, hôi hám, ảnh hưởng đến người dân, đến đời sống đô thị thì cần phải nghiên cứu giải quyết. Chứ không nên tránh được cái bất cập nọ thì lại rơi vào cái dở kia. Chăm lo cho đời sống cộng đồng bảo đảm cả về chất lượng không khí, môi trường cũng là đòi hỏi của chất lượng sống nói chung.

Người ta thường thấy ở những rãnh có các cửa thoát nước xuống. Các cửa nhỏ này mở ngang chứ không hướng thẳng lên trời nên sẽ bớt được mùi cống. Nếu che chắn kỹ hơn vừa để ngăn rác trôi xuống, chỉ đủ để nước chảy vào, sẽ bớt được mùi cống thoát ra. Nhìn rộng và xâu chuỗi hơn, có thể thấy cống càng bẩn một phần do quá nhiều rác thải thoát xuống gây lưu cữu, ùn ứ bùn nước bẩn trong hệ thống cống. Như thế càng thêm ô nhiễm cống, ảnh hưởng nhiều hơn đến người dân sống lân cận.

Cũng có thể có ý kiến xem chừng “có lý” là “cống thì phải bẩn chứ!”. Nhưng rõ ràng, về công năng, cống là để thoát nước, thoát nước bẩn, chứ không phải để bốc mùi bẩn lên, nhất là trong không gian đô thị, nơi có đông người sinh sống. Vì thế thực tế tồn tại kể trên cần được coi là bất cập, là lỗi trong kỹ thuật thi công, khiến cho miệng cống trở thành bãi rác giữa phố.

Những bất cập như thế, nhìn ra, lại thấy là không ít đâu. Như nhiều chỗ làm đường, mặt đường mặt phố lại cao hơn hè, cao hơn nhà dân, luôn gây nguy cơ tràn nước vào nhà khi mưa to, nước không thoát kịp, lụt cục bộ. Hoặc chính tình trạng trên dẫn tới việc khi người dân sửa nhà, làm nhà, đua nhau nâng nên cao lên, dẫn đến chênh nhau cao thấp rất lộn xộn. Hoặc đơn giản thôi nhưng mà gây bực mình, là tình trạng nhiều biển chỉ đường lại bị che khuất do rất nhiều lùm cây, mái quán, cột hay thiết bị lạ các kiểu, khiến cho biển có dựng mà như không. Đó cũng là một cảnh mất mỹ quan đô thị. Lại nữa, gần đây thấy nhiều tủ điện trên hè phố được bao quanh bằng những tấm vật liệu lượn sóng, hình như để bảo vệ và làm đẹp nhưng thực ra lại xấu. Vẫn nên để rõ hình hài là những bốt điện, tủ điện và có ghi cảnh báo, cấm lại gần, nguy hiểm, thì sẽ đúng và khoa học hơn.

Kê ra những bất cập trong đô thị như thế để thấy các đơn vị chức năng còn nhiều việc phải làm lắm. Vấn đề là có làm, làm ngay hay không!