Quan tâm chất lượng ngó sen, củ sen

Với nhiều gia đình, các món ăn được chế biến từ ngó sen, củ sen không có gì xa lạ. Mùa hè nóng bức, đĩa nộm ngó sen giòn ngọt hay bát canh củ sen thơm bùi cũng giúp bữa ăn ngon miệng hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Nhiều bà nội trợ đã chọn cho mình những bó ngó sen trắng muốt như một thứ rau thường nhật. Theo Đông y, những món ăn chế biến từ loài cây mọc lên trong bùn này có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, lọc máu, làm sạch đường ruột, tốt cho phụ nữ sau sinh…

Bây giờ ngoài chợ, các hàng bán ngó sen rất hút khách. Tuy vậy sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu loại thực phẩm này được lấy từ những nơi sạch sẽ. Đáng lo là nhiều người mặc định, ngó sen, củ sen trắng muốt lại được sinh sống ngoài tự nhiên thế kia thì ắt là sạch, có ăn sống cũng chẳng thành vấn đề.

Ở ngoại thành Hà Nội, đồng ruộng ngày càng bị thu hẹp, các đầm nước ao hồ hay các khu ruộng trũng cây sen sinh sống không phải nơi nào cũng bảo đảm vệ sinh. Rất nhiều nơi, trên bờ tràn ngập rác thải, trong đó có những loại rác thải công nghiệp, như gỗ ván, các loại nylon, ghế sofa, các vật liệu da và giả da từ các làng nghề làm đồ nội thất… Nước thải từ khu dân cư và các nhà xưởng sản xuất chưa qua xử lý cũng chảy thẳng ra ao hồ đồng ruộng khiến nước của những đầm sen khá mất vệ sinh. Khi sen mọc lên từ những ao hồ bị bủa vây bởi ô nhiễm như thế, thì rõ ràng chất lượng củ sen bị ảnh hưởng.

Vậy nhưng, vào mùa sen, không ít người dân đi mò lấy ngó, củ sen ở những nơi như thế. Với giá bán khoảng 60 nghìn đồng/kg nên mỗi buổi chỉ cần lấy được 10 kg là đã có hơn nửa triệu bạc. Có những chỗ chính quyền địa phương phải cắm biển cảnh báo “Đầm sen bị nhiễm độc, không nên lấy ngó, củ” để tránh việc người dân đi lấy mang về bán cho người tiêu dùng.

Thân, củ, rễ, ngó sen đều nằm sâu dưới nước, thậm chí nằm sâu dưới bùn nên những bộ phận này dễ nhiễm độc cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh việc nhiễm các kim loại nặng hay ký sinh trùng sống nơi bùn lầy thì ô nhiễm do thuốc trừ sâu cũng đáng lo. Mỗi mùa lúa, khá nhiều thuốc trừ sâu được phun để bảo vệ cây lúa. Nhiều người có thói quen ném vỏ chai, túi chứa thuốc, súc rửa bình phun trước khi về nhà. Việc này thường được làm ngay tại ngoài đồng, nơi thường có cây sen đang sinh sống.

Chính vì vậy khi sử dụng củ sen, người nội trợ nên chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, bởi các cách vệ sinh khi chế biến đôi khi không giải quyết được nếu nguyên liệu được lấy từ vùng đất ô nhiễm. Với một loại cây cho nhiều giá trị kinh tế lại đẹp cho cảnh quan môi trường như sen, bà con có thể nghĩ đến mô hình nuôi trồng sạch để tăng năng suất và chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho người dùng.